Hội nghị Thượng đỉnh NATO: Nỗ lực củng cố liên minh

Ngày 14-6, Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã diễn ra tại Brussels (Bỉ). Những nội dung được các nhà lãnh đạo đưa ra thảo luận và tuyên bố chung của hội nghị được xem là nỗ lực của 30 nước thành viên, đặc biệt là Mỹ, trong việc đoàn kết và củng cố liên minh quân sự này để sẵn sàng đối mặt với những thách thức lớn.


Các nhà lãnh đạo NATO tham dự Hội nghị Thượng đỉnh tại thủ đô Brussels (Bỉ), ngày 14-6.

Kỳ vọng về một hội nghị với chương trình làm việc hiệu quả và thực chất đã được đề cao khi đây là cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên của NATO mà ông Joe Biden tham gia với tư cách là Tổng thống Mỹ.

Ông chủ Nhà Trắng hướng đến cuộc họp với lời hứa tái khẳng định cam kết của xứ Cờ hoa với liên minh quân sự, sau 4 năm hợp tác và liên kết nội khối bị đặt dấu hỏi khi người tiền nhiệm Donald Trump coi NATO là “lỗi thời” và nhiều lần đe dọa rút Mỹ khỏi liên minh này nếu các thành viên khác không tăng chi tiêu quốc phòng. Cam kết của Washington một lần nữa được nhấn mạnh trong phát biểu của Tổng thống J.Biden: “NATO hết sức quan trọng đối với chúng tôi”.

Trong bản tuyên bố chung dài 41 trang được đưa ra sau hội nghị, các nhà lãnh đạo NATO đã đề cập đến các nội dung chính về Nga, Trung Quốc, Afghanistan, các cuộc tấn công trong không gian và đoàn kết nội khối...

NATO tiếp tục coi Nga là “mối đe dọa” với các hoạt động quân sự, chiến lược hạt nhân, thông tin, cùng các cáo buộc “can thiệp bầu cử” ở các nước thành viên NATO. Các nhà lãnh đạo tổ chức này tái khẳng định quyết định đối với Nga đã được thống nhất tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO tổ chức ở xứ Wales (Anh) hồi năm 2014 và các cuộc họp sau đó, trong đó đình chỉ các hoạt động hợp tác quân sự và dân sự với xứ sở Bạch dương trong khi vẫn để ngỏ cánh cửa cho đối thoại chính trị.

Đối với Trung Quốc, đây là lần thứ hai NATO đề cập trực tiếp tới nước này trong tuyên bố chung, kể từ sau Hội nghị Thượng đỉnh tại thủ đô London (Anh) vào tháng 12-2019 dưới sức ép của chính quyền cựu Tổng thống D.Trump. Từ “các thách thức và cơ hội” được đề cập trong văn kiện trước, lần đầu tiên các nước thành viên NATO cho rằng những tham vọng và hành vi quyết đoán của Trung Quốc đang đặt ra “những thách thức mang tính hệ thống” đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và với những vấn đề liên quan tới an ninh của liên minh.

Dù bày tỏ quan ngại về các chính sách của Trung Quốc, song liên minh quân sự này cũng nêu ra triển vọng đối thoại mang tính xây dựng và hợp tác với Bắc Kinh trong các lĩnh vực liên quan đến NATO cũng như trong các thách thức chung, trong đó có vấn đề biến đổi khí hậu. Phát biểu sau hội nghị, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh, cũng giống như Nga, Trung Quốc là đối tác trong một số lĩnh vực.

Một nội dung nổi bật khác là việc các nước thành viên nhất trí về chương trình nghị sự NATO 2030, một sáng kiến toàn diện nhằm củng cố sức mạnh nội khối và khả năng sẵn sàng đối mặt với các thách thức trong tương lai. Với việc thông qua chính sách phòng thủ mạng toàn diện mới, NATO công nhận tác động của hoạt động tấn công mạng trong một số trường hợp nhất định có thể được coi là tương đương với một cuộc tấn công vũ trang, do đó có thể kích hoạt điều khoản phòng thủ chung của liên minh. NATO còn mở rộng điều khoản này sang các loại tấn công khác. Tổ chức này lần đầu tiên tuyên bố một cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng trong không gian, như vệ tinh, có thể kích hoạt điều khoản bảo vệ lẫn nhau của hiệp ước.

Hội nghị Thượng đỉnh NATO diễn ra vào thời điểm mà đại dịch Covid-19 tiếp tục đặt ra những thử thách đối với các quốc gia cũng như khả năng phục hồi chung của liên minh. Trước những bất ổn từ các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống như hiện nay, một liên minh đoàn kết và mạnh mẽ là điều quan trọng hơn bao giờ hết.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục