Chiến dịch tiêm phòng vắc xin ngừa Covid-19 tiếp tục được đẩy mạnh tại nhiều quốc gia.
Châu Á
Với 8.161 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua, Indonesia đang dẫn đầu các nước Đông Nam Á về tình trạng lây nhiễm. Nước này cũng là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực, với tổng cộng 1.927.708 ca bệnh và 52.730 ca tử vong. Trước tình trạng tăng đột biến số ca mắc Covid-19 sau kỳ nghỉ lễ xả chay Eid el-Fitr cách đây 1 tháng, Phó Chủ tịch Hạ viện Indonesia, ông Sufmi Dasco Ahmad đã yêu cầu chính phủ hoãn mở cửa trở lại các trường học, dự kiến từ ngày 1-7.
Tại Campuchia, mặc dù diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, chính quyền thủ đô Phnom Penh vẫn quyết định cho phép nối lại tất cả hoạt động kinh doanh, buôn bán tại các chợ do nhà nước quản lý trên địa bàn thành phố. Bộ Y tế Campuchia cho biết, trong những ngày tới, số người được tiêm phòng Covid-19 sẽ đạt 3 triệu người và nước này đang hướng tới mục tiêu 10 triệu người để đạt miễn dịch cộng đồng. Theo báo cáo, đến nay đã có 2.939.543 người ở Campuchia được tiêm vắc xin ngừa Covid-19, tương đương 29,4% trong tổng số 10 triệu người.
Tại Malaysia, số ca mắc mới Covid-19 trong ngày có chiều hướng giảm so với đỉnh dịch vào tháng 5, song vẫn ở mức trên 5,4 nghìn người/ngày. Malaysia vẫn đang tăng tốc chương trình tiêm chủng song song với các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Tính đến ngày 16-6, quốc gia Đông Nam Á này đã tiêm ít nhất một mũi vắc xin ngừa Covid-19 cho 3,28 triệu người, tương đương 10% dân số. Chính phủ Malaysia thông báo đã cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với các vắc xin ngừa Covid-19 một mũi tiêm của hãng CanSino Biologics (Trung Quốc) và của hãng Johnson & Johnson (Mỹ) phát triển.
Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã công bố kế hoạch khôi phục quốc gia, bao gồm các bước quản lý đại dịch và nền kinh tế cũng như chương trình tiêm chủng quốc gia, theo 4 giai đoạn. Chính phủ chỉ có thể quyết định chuyển từ giai đoạn này sang giai đoạn tiếp theo nếu 3 chỉ số như số ca mắc mới Covid-19 hằng ngày; khả năng của hệ thống y tế dựa trên số giường bệnh điều trị tích cực (ICU) và mức độ tỷ lệ tiêm chủng dựa trên tỷ lệ phần trăm số người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin, được đáp ứng. Chính phủ sẽ cân nhắc thực thi giai đoạn 2 nếu số ca mắc mới Covid-19 giảm xuống dưới 4.000 ca/ngày. Trong giai đoạn này, các hoạt động kinh tế được phép sử dụng đến 80% nhân viên so với thời điểm trước đại dịch.
Hàn Quốc đang lên kế hoạch triển khai thử nghiệm cơ chế giãn cách xã hội mới trong vòng 3 tuần, bắt đầu từ ngày 1-7, cùng lúc nỗ lực ngăn chặn đà tăng đột biến các ca nhiễm mới hằng ngày. Theo đó, Hàn Quốc sẽ dỡ bỏ lệnh cấm tập trung từ 5 người trở lên hiện nay và tăng lên mức 8 người. Các nhà hàng và quán cà phê có thể mở cửa đến nửa đêm tại thủ đô Seoul và khu vực lân cận, muộn hơn 2 giờ so với lệnh giới nghiêm từ 22h hiện nay.
Châu Âu
Giai đoạn cuối cùng trong lộ trình dỡ bỏ phong tỏa ngừa Covid-19 của Anh sẽ được lùi tới ngày 19-7 thay vì ngày 21-6 theo kế hoạch ban đầu. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh Anh ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 tăng trở lại do sự xuất hiện của biến thể Delta dễ lây lan được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ.
Theo các quy định hạn chế được áp dụng để phòng ngừa Covid-19 ở Anh, các sự kiện ngoài trời chỉ được tụ tập tối đa 30 người, sự kiện trong nhà tối đa 6 người. Tuy nhiên, 15 sự kiện thí điểm được thực hiện lộ trình nới lỏng phong tỏa theo kế hoạch, trong đó có các trận đấu sắp tới của EURO 2020 và các buổi biểu diễn nghệ thuật và âm nhạc. Những người tham dự các sự kiện này phải xuất trình chứng nhận đã tiêm phòng hoặc xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2.
Một số khu vực ở Nga đã thắt chặt các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, đồng thời tập trung tăng cường năng lực ứng phó cho các bệnh viện trong trường hợp bệnh nhân nhập viện gia tăng. Trong 24 giờ qua, Nga có thêm 14.185 ca nhiễm mới, trong đó 6.805 ca ở Mátxcơva, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 5.236.593 ca.
Châu Mỹ
Ngày 16-6, Mỹ đã ghi nhận một cột mốc đáng buồn khi số ca tử vong do đại dịch Covid-19 ở nước này đã vượt 600.000 người. Dù số ca tử vong hằng ngày giảm trong những tháng gần đây, song vẫn có hàng trăm người Mỹ thiệt mạng do đại dịch mỗi ngày.
Hiện có nhiều biến thể nguy hiểm khác với tốc độ lây lan nhanh chóng như Alpha (B.1.1.7) và Delta (B.1.617.2) có thể cản trở những tiến bộ đạt được trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 ở Mỹ. Dù nhiều loại vắc xin đã được chứng minh là có hiệu quả trước những biến thể trên, tuy nhiên giới chuyên gia vẫn cảnh báo điều quan trọng là phải tiêm phòng càng sớm càng tốt.
Theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), tính đến ngày 14-6, 52,5% người dân Mỹ đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin và 43,7% đã được tiêm chủng đủ. Giới chuyên gia nhận định, vào mùa đông tới, khi dịch có khả năng bùng phát trở lại, Mỹ sẽ cần phải đạt được tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ lên tới 80% dân số hoặc cao hơn.
Nhà chức trách Chile thông báo sẽ gia hạn tình trạng khẩn cấp do Covid-19 đến tháng 9 tới, theo đó tiếp tục áp đặt các biện pháp hạn chế để phòng dịch. Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Y tế Paula Daza nêu rõ, tình trạng khẩn cấp về y tế dự kiến hết hiệu lực vào ngày 30-6 tới sẽ được gia hạn thêm 3 tháng, đến ngày 30-9. Ông Daza cũng lưu ý số ca mắc mới gia tăng ở thanh thiếu niên - nhóm cuối cùng được tiêm vắc xin ngừa Covid-19.
Gửi phản hồi
In bài viết