Bộ GD-ĐT quy định xét tuyển để tuyển sinh vào lớp 6. Ảnh: Thống Nhất
Thông tin về việc bỏ hình thức thi tuyển vào lớp 6 từ năm 2025 không chỉ thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là những gia đình có con đang chuẩn bị hết cấp tiểu học. Việc này còn khiến các trường chất lượng cao bối rối, lo lắng và cho rằng nếu chỉ xét tuyển bằng học bạ sẽ khó tuyển được học sinh đáp ứng yêu cầu, trong khi số lượng học sinh đăng ký dự tuyển thường cao gấp nhiều lần chỉ tiêu.
Điểm mới đáng chú ý trong quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm theo Thông tư số 30/2024/TT-BGDĐT ngày 30-12-2024 là nội dung “Tuyển sinh trung học cơ sở được thực hiện theo hình thức xét tuyển”. Quy định này chính thức có hiệu lực từ ngày 14-2-2025.
Để hiểu chính xác, đầy đủ về quy định này, đồng thời giải đáp băn khoăn, lo lắng của các nhà trường, gia đình học sinh, ngày 10-11, phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Xuân Thành.
Lý giải về việc vì sao đưa quy định tuyển sinh THCS theo phương thức xét tuyển, ông Nguyễn Xuân Thành thông tin: Theo quy định tại Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 18-4-2014, phương thức tuyển sinh THCS được nêu rõ là theo hình thức xét tuyển. Quy định này bảo đảm việc tuyển sinh học sinh vào THCS được thực hiện thuận lợi, hiệu quả, thiết thực đối với cấp học cần huy động 100% học sinh vào học theo mục tiêu phổ cập giáo dục.
Đến năm 2018, trước thực tế có một số trường THCS có uy tín, có nhiều học sinh đăng ký vào học khiến việc xét tuyển theo tiêu chí chung chưa đáp ứng được mục tiêu tuyển sinh, để phù hợp thực tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 05/2018/TT-BGDĐT. Thông tư này quy định: “Tuyển sinh THCS theo phương thức xét tuyển. Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh, sở giáo dục và đào tạo hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh”.
Làm rõ thêm về quy định tại Thông tư số 05/2018/TT-BGDĐT, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Xuân Thành lý giải: Thời điểm khi ban hành Thông tư số 05/2018/TT-BGDĐT, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu rõ: Việc kiểm tra, đánh giá năng lực khác với một kỳ thi. Cụ thể, trong trường hợp tổ chức xét tuyển vào một trường THCS, nếu số lượng học sinh đáp ứng yêu cầu của tiêu chí xét tuyển chung vẫn vượt so với chỉ tiêu thì nhà trường được kết hợp thực hiện kiểm tra, đánh giá năng lực để bổ sung tiêu chí xét tuyển. Việc này áp dụng đối với những học sinh đã đáp ứng yêu cầu của tiêu chí xét tuyển chung, chứ không phải tổ chức cả kỳ thi với nhiều môn thi đối với 100% học sinh đăng ký vào trường.
Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy, có một số trường đã thực hiện việc tuyển sinh chủ yếu dựa vào tổ chức việc “kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh” như một kỳ thi tuyển sinh với toàn bộ học sinh đăng ký vào trường.
Thông tư số 30/2024/TT-BGDĐT ban hành ngày 30-12-2024 tiếp tục quy định phương thức tuyển sinh THCS là xét tuyển. Đồng thời, thông tư cũng quy định giao các sở giáo dục và đào tạo hướng dẫn cụ thể về tiêu chí xét tuyển, bảo đảm thực hiện việc xét tuyển công bằng, khách quan, minh bạch, phù hợp tình hình thực tế tại địa phương.
Còn đối với trường THCS, trường phổ thông có nhiều cấp học trong đó có cấp THCS thuộc đại học, trường đại học, viện nghiên cứu, tiêu chí xét tuyển do đại học, trường đại học, viện nghiên cứ trực tiếp quản lý hướng dẫn hoặc thực hiện theo hướng dẫn của sở giáo dục và đào tạo nơi trường đặt trụ sở.
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Xuân Thành, căn cứ quy chế, các sở giáo dục và đào tạo phải xây dựng bộ tiêu chí xét tuyển áp dụng cho tất cả các trường; đồng thời hướng dẫn tiêu chí riêng đối với các trường sau khi thực hiện việc xét tuyển theo tiêu chí chung vẫn có số học sinh đáp ứng yêu cầu nhiều hơn chỉ tiêu nhà trường được giao. Tiêu chí riêng không chỉ là các yêu cầu trong hồ sơ xét tuyển mà còn cần đánh giá trực tiếp học sinh theo nhiều hình thức khác nhau như: Hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, hồ sơ học tập, các sản phẩm, hoạt động của học sinh... (những hình thức này đã được quy định tại các thông tư ban hành quy chế đánh giá học sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo) hoặc bài kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh bảo đảm việc tuyển sinh được thực hiện công bằng, công khai, minh bạch, phù hợp với điều kiện thực tiễn như Thông tư số 30/2024/TT-BGDĐT đã quy định.
“Đối với việc tuyển sinh ở bất kỳ trường THCS nào thì theo nguyên tắc Thông tư số 30/TT-BGDĐT là đều phải thực hiện nhiệm vụ phổ cập trên địa bàn. Đó cũng là căn cứ để các sở giáo dục và đào tạo xây dựng tiêu chí xét tuyển bảo đảm yêu cầu tuyển sinh chính xác, công bằng, công khai và minh bạch” – ông Nguyễn Xuân Thành lưu ý.
Tại Hà Nội, nhiều năm qua, các trường THCS công lập đều áp dụng thống nhất phương thức xét tuyển để tuyển sinh học sinh vào lớp 6. Riêng các trường trung học được UBND thành phố Hà Nội công nhận là trường chất lượng cao, được tuyển sinh không theo tuyến, có số lượng học sinh đăng ký dự tuyển nhiều hơn so với chỉ tiêu được giao, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho phép thực hiện theo phương thức xét tuyển hoặc xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực. Nội dung kiểm tra chủ yếu nằm trong chương trình lớp 5. Hình thức kiểm tra trắc nghiệm hoặc kết hợp tự luận, bảo đảm yêu cầu bốn cấp độ nhận thức: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng cấp độ thấp và vận dụng cấp độ cao. |
Gửi phản hồi
In bài viết