Bộ Nội vụ đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần phải thực hiện tinh giản biên chế đúng đối tượng, áp dụng đúng chế độ.
Bộ Nội vụ vừa ban hành Công văn 5670/BNV-TCBC ngày 11/11/2022 về thực hiện chính sách tinh giản biên chế.
Các trường hợp không thực hiện tinh giản biên chế
Cụ thể, trong thời gian qua, Bộ Nội vụ nhận được báo cáo kết quả thực hiện tinh giản biên chế của các Bộ, ngành, địa phương để kiểm tra theo quy định.
Qua kiểm tra kết quả thực hiện tinh giản biên chế, có một số Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tinh giản biên chế chưa đúng đối tượng nên Bộ Nội vụ đã phải yêu cầu báo cáo, giải trình và đề nghị không thực hiện tinh giản biên chế đối với các trường hợp này, như:
1- Chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ mà vẫn bố trí vào làm công chức, viên chức hoặc cán bộ cấp xã.
2- Công chức, viên chức có 2 năm liên tiếp bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ nhưng vẫn đề nghị giải quyết tinh giản biên chế.
3- Công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ đề nghị giải quyết tinh giản biên chế nhưng vẫn được nâng bậc lương thường xuyên theo quy định.
4- Chưa đủ thời gian công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để tinh giản biên chế ở tuổi nghỉ hưu thấp hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường.
5- Công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy nhưng không làm rõ được việc sắp xếp tổ chức, bộ máy của cơ quan, tổ chức, đơn vị,...
Do vậy, để tránh trường hợp phải khắc phục việc giải quyết tinh giản biên chế không đúng quy định, Bộ Nội vụ đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần phải thực hiện tinh giản biên chế đúng đối tượng, áp dụng đúng chế độ, chính sách tinh giản biên chế và trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Trên đây là ý kiến của Bộ Nội vụ về việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đúng quy định của pháp luật./.
*Trước đó, Bộ Nội vụ có Công văn 3538/BNV-TCBC ngày 28/7/2022 về tính hưởng chế độ, chính sách tinh giản biên chế.
Về quản lý và sử dụng biên chế đã thực hiện tinh giản
Thực hiện quy định tại Khoản 1 Điều 1 Nghị định 113/2018/NĐ-CP:
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị được sử dụng tối đa 50% số biên chế đã thực hiện tinh giản và giải quyết chế độ nghỉ hưu đúng tuổi hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật để tuyển dụng mới công chức, viên chức và lao động hợp đồng, bảo đảm thực hiện tinh giản biên chế theo đúng quy định của Đảng và của pháp luật.
Trường hợp Bộ, ngành, địa phương được thành lập tổ chức mới hoặc được cấp có thẩm quyền giao thêm chức năng, nhiệm vụ, thì Bộ, ngành, địa phương tự cân đối trong tổng biên chế được cấp có thẩm quyền giao để bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Về đối tượng tinh giản biên chế do sức khỏe không bảo đảm
Thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Nghị định 143/2020/NĐ:
Có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế mà trong từng năm đều có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội, có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh và của cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định của pháp luật;
Hoặc trong năm trước liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội, có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh và của cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định của pháp luật nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.
Tiền lương tháng để tính chế độ tinh giản biên chế
Tiền lương tháng để tính chế độ tinh giản biên chế thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 12 Nghị định 108/2014/NĐ-CP.
Tiền lương tháng được tính bao gồm:
Tiền lương theo ngạch, bậc hoặc theo chức danh nghề nghiệp hoặc theo bảng lương; các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có) và mức chênh lệch bảo lưu (nếu có) theo quy định của pháp luật.
Tiền lương tháng để tính các chế độ trợ cấp quy định được tính bình quân tiền lương tháng thực lĩnh của 5 năm cuối (60 tháng) trước khi tinh giản.
Riêng đối với những trường hợp chưa đủ 5 năm (chưa đủ 60 tháng) công tác, thì được tính bình quân tiền lương tháng thực lĩnh của toàn bộ thời gian công tác.
Riêng về cách tính tiền lương tháng để tính chế độ tinh giản biên chế được thực hiện:
Đối với đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 6 Điều 2 Nghị định 108/2014/NĐ-CP.
Tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh; phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung; phụ cấp thâm niên nghề và mức chênh lệch bảo lưu lương được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 04/2019/TT-BNV.
Đối với đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Khoản 4, Khoản 5 Điều 2 Nghị định 108/2014/NĐ-CP:
Trước ngày 1/5/2013: Hệ số mức lương được tính theo bảng lương của thành viên chuyên trách Hội đồng quản trị, bảng lương của Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Phó Giám đốc kế toán trưởng ban hành kèm theo Nghị định 205/2004/NĐ-CP.
Từ ngày 1/5/2013 trở đi: Hệ số mức lương được tính theo quy định tại bảng hệ số mức lương của viên chức quản lý chuyên trách ban hành kèm theo Nghị định 51/2013/NĐ-CP.
Gửi phản hồi
In bài viết