Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì phiên họp đầu giờ chiều 13/7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Duy Linh
Chiều 13/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả Chương trình xây dựng nông thôn mới (Chương trình) giai đoạn 2010-2020 cho thấy, sau 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã đạt được những kết quả quan trọng, theo như đánh giá của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước là “to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử”. Bộ mặt nông thôn đã có những khởi sắc rõ rệt, hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện; cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã phát huy hiệu quả, kinh tế nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân nông thôn.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng đánh giá cao kết quả thực hiện Chương trình thời gian vừa qua. Qua 10 năm thực hiện, Chương trình đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ, rộng khắp trong cả nước với sự hưởng ứng tham gia tích cực, nhiệt tình của Nhân dân, có nhiều mô hình mới, cách làm hay đã được thực hiện. Nhờ đó, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu hết sức quan trọng, toàn diện. Đến hết năm 2020, cả nước có 5.157/8.267 xã (62,4%) đã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành vượt mức 12,4% so với chỉ tiêu đã đề ra; hoàn thành mục tiêu về xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết 142/2016/QH13 ngày 12/4/2016 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 trước 2 năm; 12 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Quang cảnh phiên họp.
Tuy nhiên, khu vực nông thôn còn đứng trước nhiều thách thức đòi hỏi tiếp tục có sự quan tâm đầu tư, vừa duy trì, phát huy các thành quả đã đạt được, vừa hỗ trợ các xã còn lại đạt chuẩn nông thôn mới. Ủy ban Kinh tế cho rằng việc tiếp tục thực hiện Chương trình này là cần thiết, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời có nhiều thuận lợi, trong đó, bộ máy, nguồn nhân lực thực hiện Chương trình đã được vận hành trong nhiều năm qua, nhận thức người dân về lợi ích của Chương trình có nhiều chuyển biến, tích cực hưởng ứng tham gia.
Về cơ cấu nguồn vốn, khả năng huy động vốn để thực hiện Chương trình, đa số ý kiến thành viên Chính phủ nhất trí với tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2021-2025 cần bố trí cho Chương trình là 51.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo tính toán của Hội đồng thẩm định Nhà nước, tổng vốn ngân sách trung ương (NSTW) của Chương trình dự kiến sẽ bố trí được khoảng 39.632 tỷ đồng, bằng 62,7% số vốn dành cho Chương trình trong giai đoạn 2016-2020.
Về vấn đề này, có hai loại ý kiến, trong đó loại ý kiến thứ hai đề nghị lựa chọn phương án tổng mức vốn cho Chương trình là 39.632 tỷ đồng, vì cho rằng giai đoạn tới, diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch Covid-19 sẽ còn tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, dự kiến thu ngân sách Nhà nước khó khăn và không có yếu tố tăng đột biến, trong khi phải thực hiện nhiều mục tiêu quan trọng khác, do vậy, lựa chọn này phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn trong dự kiến Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.
Tiếp thu các ý kiến đóng góp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết sẽ sớm xây dựng lại Chương trình để bảo đảm khả thi, đưa vào thực tế để tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 nhằm kế thừa, phát huy những kết quả trong giai đoạn vừa qua đồng thời tiếp tục thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong giai đoạn tới.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái.
Cho ý kiến đóng góp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần tập trung ưu tiên vốn cho Chương trình, cả vốn đầu tư cũng như vốn sự nghiệp, cả vốn Trung ương cũng như vốn địa phương và các nguồn vốn khác.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết của Chương trình. Căn cứ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 vào sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với việc bố trí 30 nghìn tỷ đồng từ ngân sách Trung ương làm vốn đầu tư phát triển Chương trình giai đoạn 2021-2025. Đây cũng là số vốn mà Chính phủ cũng đã thống nhất để điều chỉnh.
Dự kiến huy động hơn 2 triệu tỷ đồng thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025
Theo đề xuất của Chính phủ đã được Hội đồng thẩm định Nhà nước thông qua, trong đó, mới cân đối bố trí được khoảng 39.632 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương cho Chương trình giai đoạn 2021-2025, bao gồm: Vốn đầu tư phát triển: 30.000 tỷ đồng (trong đó: Vốn trong nước: 28.000 tỷ đồng; vốn nước ngoài: 88,6 triệu USD, khoảng 2.000 tỷ đồng), vốn sự nghiệp: 9.632 tỷ đồng.
Về dự kiến cơ cấu huy động nguồn lực thực hiện Chương trình (trên cơ sở kết quả huy động nguồn lực thực hiện giai đoạn 2016-2020) dự kiến khoảng 2.078.000 tỷ đồng (tương đương tổng nguồn lực huy động giai đoạn 2016-2020).
Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 39.632 tỷ đồng (chiếm 1,9%); Vốn ngân sách địa phương: dự kiến khoảng 240.000 tỷ đồng (chiếm 11,5%); Vốn lồng ghép của 2 Chương trình mục tiêu quốc gia và các Chương trình, dự án khác thực hiện trên địa bàn nông thôn: khoảng 224.000 tỷ đồng (chiếm 10,8%); Vốn tín dụng: dự kiến khoảng 1.330.000 tỷ đồng (chiếm 64%); Vốn doanh nghiệp: dự kiến khoảng 105.500 tỷ đồng (chiếm 5,1%); Huy động đóng góp tự nguyện của người dân và cộng đồng: dự kiến khoảng 139.300 tỷ đồng (chiếm 6,7%).
Gửi phản hồi
In bài viết