Công tác hỗ trợ gồm nhân lực, cử từ 20-30 người, thành phần gồm các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên chuyên ngành cấp cứu, hồi sức tích cực, ngoại, chấn thương, kiểm soát nhiễm khuẩn...; chuẩn bị cơ số thuốc, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cấp cứu, hồi sức tích cực, ngoại chấn thương và nhu cầu khám chữa bệnh của người dân sau bão lũ; sẵn sàng đến hỗ trợ cho các đơn vị tại miền Trung khôi phục hoạt động khám chữa bệnh khi được lệnh điều động từ Ban Chỉ huy Bộ Y tế.
Đối với các địa phương chịu ảnh hưởng của bão lũ (các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận), Bộ Y tế đề nghị khẩn trương thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế.
Cụ thể: Di chuyển, sơ tán các đơn vị cấp cứu, hồi sức tích cực, người bệnh nặng cần thở máy, chạy thận...; vận chuyển di dời các máy móc, thiết bị y tế cấp cứu, hồi sức, hồ sơ bệnh án... đến khu vực cao, tránh bị ngập lụt; bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ; bảo đảm nguồn điện nước dự phòng, bảo đảm thông suốt về thông tin liên lạc với các đơn vị hỗ trợ và cơ quan quản lý trực tiếp.
Các đơn vị tập trung ứng phó với bão số 4 - Ảnh: VGP/HM
* Để ứng phó với bão Noru, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng đã kích hoạt các thành viên đội ứng phó thảm họa của Trung ương Hội và tại các tỉnh, phân công thành viên trực và cập nhật thông tin, sẵn sàng tham mưu; rà soát nguồn tiền và hàng dự trữ, phương tiện vận chuyển của Trung ương Hội và các tỉnh hội chuẩn bị sẵn sàng cho công tác ứng phó.
Hiện, Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam có 1 đội ứng phó thảm họa của Trung ương Hội, 37 đội ứng phó thảm họa Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam tại các tỉnh, 671 đội ứng phó thảm họa cấp cộng đồng với 14.000 thành viên.
Hàng hóa dự trữ tại Trung ương Hội gồm 4.900 thùng hàng gia đình, hơn 2.000 bộ dụng cụ sửa nhà, hơn 1.600 tấm bạt, máy lọc nước, bột lọc nước, bình lọc nước, nhà bạt…
Để chủ động ứng phó với diễn biến nguy hiểm của cơn bão Noru, ông Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam đề nghị các tỉnh hội, thành hội, các ban, đơn vị thuộc Trung ương Hội tập trung chỉ đạo triển khai công tác ứng phó với bão Noru theo phương châm "4 tại chỗ", gồm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ, với tinh thần khẩn trương, quyết liệt.
Các cấp hội tuy trì trực ứng phó bão 24/24, cử cán bộ đầu mối cập nhật báo cáo với Trung ương Hội về các hoạt động phòng ngừa ứng phó của địa phương; huy động trang thiết bị, lực lượng sẵn sàng tham gia phối hợp với các cấp và chính quyền địa phương di dời, sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm; hỗ trợ nhân dân trước, trong và sau bão đặc biệt giúp nhân dân chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền, thu hoạch lúa, hoa màu…
Gửi phản hồi
In bài viết