Đầu giờ sáng, Bộ phận Một cửa tại UBND xã Chân Sơn (Yên Sơn) đã có khá đông người dân đến liên hệ giải quyết công việc, chủ yếu liên quan đến công tác đăng ký kết hôn, hộ tịch, chứng thực... Dù công việc khá nhiều, song công chức tư pháp, hộ tịch của xã đã giải quyết rất nhanh gọn, hiệu quả thủ tục hành chính cho người dân. Anh Bàn Thế Vinh, công chức tư pháp, hộ tịch UBND xã Chân Sơn cho biết, mỗi ngày anh tiếp nhận 100 hồ sơ liên quan đến công tác tư pháp, trong 9 tháng năm 2022 đã chứng thực trên 3.233 việc, tổ chức trên 30 buổi tuyên truyền pháp luật cho 1.800 lượt người. Các nhiệm vụ công tác được thực hiện đảm bảo chất lượng, tiến độ đáp ứng nguyện vọng của người dân.
Công chức tư pháp, hộ tịch UBND xã Chân Sơn (Yên Sơn) giải quyết công việc cho người dân.
Trước đây, công chức tư pháp các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ, một số xã chưa đạt chuẩn về trình độ, phải kiêm nhiệm nhiều việc nên hoạt động không đáp ứng yêu cầu của người dân. Nhằm khắc phục tình trạng trên, đồng thời để chuẩn hóa đội ngũ công chức tư pháp, hộ tịch theo Luật Hộ tịch năm 2014, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp và các ngành chức năng rà soát, phân loại trình độ chuyên môn đội ngũ công chức tư pháp, hộ tịch cấp xã; cử cán bộ đi học các lớp trung cấp, Đại học Luật để bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định. Nhờ tập trung kiện toàn đội ngũ, đến nay số lượng, chất lượng đội ngũ công chức tư pháp, hộ tịch cấp xã được nâng lên rõ rệt. Toàn tỉnh hiện có 246 công chức tư pháp, hộ tịch, trong đó 176 người có trình độ đại học, cao đẳng luật, 55 người có trình độ trung cấp luật; chỉ còn 15 người có trình độ đại học, trung cấp các chuyên ngành khác.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Thược, Giám đốc Sở Tư pháp, cùng với việc kiện toàn nâng cao chất lượng đội ngũ, Sở Tư pháp thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ công chức tư pháp, hộ tịch về công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải, chứng thực, hộ tịch, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, triển khai tập huấn sử dụng phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp.
Từ đầu năm đến nay, ngành Tư pháp đã tổ chức được 4.300 buổi tuyên truyền pháp luật cho trên 534.000 lượt người nghe, biên soạn trên 186.000 bộ tài liệu tuyên truyền pháp luật, gần 16.000 tin, bài, ảnh liên quan đến các văn bản quy phạm pháp luật để nâng cao nhận thức cho cán bộ của ngành.
Tuy nhiên, hoạt động của công chức tư pháp, hộ tich cấp xã hiện nay còn gặp khó khăn do thiếu trang thiết bị làm việc như máy tính, hệ thống Internet chưa đồng bộ. Chị Hoàng Thị Hường, công chức tư pháp, hộ tịch UBND thị trấn Na Hang (Na Hang) chia sẻ, do máy vi tính được đầu tư đã lâu, đến nay gần như không sử dụng được, nên công chức tư pháp, hộ tịch tự mua máy tính xách tay để đảm bảo hoàn thành công việc, nhưng việc lỗi đường truyền liên kết các phần mềm trực tuyến vẫn hay xảy ra, điều này ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết việc của người dân.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Thược, Giám đốc Sở Tư pháp, để ngày càng nâng cao chất lượng công chức tư pháp, hộ tịch, thời gian tới, Sở tiếp tục mở các lớp tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng xử lý, giải quyết công việc cho các cán bộ tư pháp cơ sở. Đồng thời có phương án bố trí các nguồn lực trang bị cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu công việc của công chức tư pháp, hộ tịch các địa phương, bảo đảm giải quyết công việc cho người dân được nhanh chóng, kịp thời.
Gửi phản hồi
In bài viết