Xuất khẩu lâm sản sáu tháng đầu năm 2021 ước đạt 8,71 tỷ USD, tăng 61,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Ngày 7/7, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức Hội nghị sơ kết công tác chỉ đạo, điều hành sáu tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2021, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chủ trì hội nghị.
Xuất khẩu lâm sản sáu tháng đầu năm ước đạt 8,71 tỷ USD
Phát biểu tại hội nghị, Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Lâm nghiệp đánh giá, sáu tháng đầu năm, toàn ngành đã tập trung quyết liệt, đưa ra các giải pháp kịp thời và phù hợp. Bên cạnh đó, đã chủ động nắm bắt tình hình điểm nóng và khoanh vùng các địa bàn trọng điểm. Do đó, về cơ bản đã đạt được được những mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Cụ thể, sáu tháng đầu năm, Tổng cục Lâm nghiệp đã tập trung các giải pháp kịp thời và phù hợp với tình hình thực tế để giải quyết những vấn đề nổi cộm. Kịp thời tham mưu, đề xuất các đoàn kiểm tra công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng tại các tỉnh trọng điểm, phối hợp tốt với các cơ quan, đơn vị trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng.
Về lĩnh vực khai thác lâm sản, sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tập trung sáu tháng đầu năm đạt khoảng 6,8 triệu m3, bằng 32% kế hoạch năm 2021 và 114% so với cùng kỳ năm 2020.
Xuất khẩu lâm sản ước đạt 8,71 tỷ USD, tăng 61,6% so với cùng kỳ năm 2020. Dự báo cả năm 2021, xuất khẩu lâm sản sẽ đạt khoảng 15,5 tỷ USD, tăng khoảng 17% so với năm 2020. Xuất siêu ước đạt 7,2 tỷ USD, tăng 67,4%.
Nhập khẩu lâm sản ước đạt trên 1,54 tỷ USD, tăng 39% so cùng kỳ. Dự báo cả năm 2021 đạt khoảng 3 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2020.
Về lĩnh vực phát triển rừng, sáu tháng đầu năm, các địa phương đã chuẩn bị được 658 triệu cây giống phục vụ trồng rừng, bằng 145% so với cùng kỳ năm 2020. Diện tích rừng trồng được kiểm soát giống đạt 85%. Trong sáu tháng đầu năm, đã công nhận 13 giống cây trồng lâm nghiệp mới có năng suất, chất lượng cao.
Diện tích rừng trồng mới tập trung là 108.258 ha, đạt 41,6% kế hoạch, bằng 122,3% so với cùng kỳ năm 2020. Ước cả năm trồng được 260 nghìn ha, đạt 100% kế hoạch năm.
Những tồn tại, hạn chế
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng tiếp tục được các địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm nóng về tình trạng phá rừng tại một số tỉnh như: Bắc Kạn, Sơn La, Thừa Thiên - Huế, Đắc Nông, Gia Lai.
Trong sáu tháng đầu năm 2021, đã phát hiện 1.329 vụ vi lâm luật, giảm 114 vụ (tương ứng 8%) so với cùng kỳ năm 2020. Xử phạt và thu nộp ngân sách 29,5 tỷ đồng.
Sáu tháng đầu năm, cả nước đã xảy ra 109 vụ cháy rừng, tương đương so với cùng kỳ 2020. Diện tích rừng bị thiệt hại theo lũy kế sáu tháng đầu năm là 1.210 ha, giảm 1.380 ha (tương ứng giảm 53%) so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, diện tích thiệt hại do cháy rừng là 283 ha, do phá rừng trái pháp luật 672 ha.
Mặt khác, do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt, hanh khô, hạn hán kéo dài nhiều ngày đúng vào mùa đốt nương làm rẫy nên đã xảy ra một số vụ cháy rừng. Mặc dù địa phương đã triển khác các biện pháp chữa cháy, tuy nhiên vẫn có thiệt hại về rừng.
Tình hình vi phạm về phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật vẫn còn tồn tại điểm nóng, nhất là vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên.
Lên kịch bản lường trước những khó khăn
Đánh giá cao những kết quả đạt được sáu tháng đầu năm, tuy nhiên, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Lê Quốc Doanh cho rằng, sáu tháng cuối năm ngành lâm nghiệp không được chủ quan bởi dịch bệnh Covid-19, khó lường ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành, trong đó có ngành lâm nghiệp. Đặc biệt là những rào cản thương mại từ các thị trường sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu.
Do đó, ông Lê Quốc Doanh đề nghị ngành Lâm nghiệp cần lên kịch bản, lường hết tất cả các khó khăn, từ sản xuất, lưu thông đến xây dựng các chuỗi giá trị, để từ đó xây dựng các phương án cụ thể. Để nếu có xảy ra sẽ không bị lúng túng.
“Không chỉ trồng rừng mà còn chăm sóc rừng. Cần có biện pháp làm bài bản, trước mắt và lâu dài. Nhất là đề án một tỷ cây xanh. Cần chuyển từ sản xuất lâm nghiệp sang nền kinh tế lâm nghiệp”, ông Lê Quốc Doanh nói.
Liên quan đến việc Hoa Kỳ chính thức khởi xướng điều tra theo Mục 301 Đạo luật Thương mại 1974 đối với việc nhập khẩu và sử dụng gỗ của Việt Nam, ông Lê Quốc Doanh cho hay, đây là câu chuyện bình thường thương mại giữa các quốc gia. Về phía Bộ sẽ tiếp tục có những phiên trao đổi, đàm phán với phía Hoa Kỳ để họ có thể hiểu rõ bản chất vấn đề và sớm khép lại vấn đề này.
“Cần phải làm cho bài bản, thận trọng để bạn hiểu chúng ta đang hướng tới một nền thương mại minh bạch, rõ ràng, và là đối tác tin cậy của các thị trường”, ông Lê Quốc Doanh nói.
Gửi phản hồi
In bài viết