Chủ động, quyết liệt thực hiện
Ngay sau khi Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Đề án 02-ĐA/TU ngày 23/5/2021 về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ động và quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Đồng chí Tăng Thị Dương, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh chia sẻ: "Chúng tôi đã cụ thể hóa các nội dung của Đề án bằng những hành động cụ thể, thiết thực. Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức hội nghị trực tuyến sâu rộng với sự tham gia của hơn 2.400 đại biểu, tạo nền tảng vững chắc cho sự thống nhất về nhận thức và hành động trong toàn hệ thống. Cùng với đó, các kế hoạch, hướng dẫn cũng được ban hành kịp thời, chỉ đạo sát sao đến từng khu dân cư, đảm bảo Đề án đi vào cuộc sống một cách hiệu quả nhất”.
Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức Lễ phát động hưởng ứng ngày Môi trường thế giới năm 2025 tại thành phố Tuyên Quang. (ảnh: Lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh tham gia chương trình đổi rác thải lấy cây xanh tại lễ phát động)
Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đặc biệt coi trọng, thực hiện thường xuyên gắn với kiểm tra công tác Mặt trận hàng năm. Các cuộc kiểm tra quy mô tại nhiều địa phương, kết hợp với việc đôn đốc, nắm bắt tình hình qua giao ban định kỳ, qua đó góp phần quan trọng đảm bảo Đề án được triển khai đúng hướng, phát huy tối đa hiệu quả.
Những chuyển biến tích cực
Theo đồng chí Tăng Thị Dương, sau 5 năm nỗ lực đã mang lại những chuyển biến tích cực và hiệu quả rõ rệt trong hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức CT-XH tỉnh. Nổi bật là sự tăng cường vai trò tham mưu với cấp ủy và phối hợp chặt chẽ với chính quyền. MTTQ các cấp đã thực hiện nghiêm túc các quy định, chủ động nắm bắt và phản ánh tình hình Nhân dân, dư luận xã hội, kịp thời đề xuất những giải pháp giải quyết kiến nghị chính đáng. Chủ động đăng ký và hoàn thành nhiều công trình, phần việc mới, mang tính đột phá, tập trung vào các vấn đề dân sinh bức thiết như: Hỗ trợ làm mới, sửa chữa nhà ở cho người nghèo; phòng, chống rác thải và xử lý rác thải nhựa; giải phóng mặt bằng; bê tông hóa giao thông nông thôn; xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang… tạo dấu ấn sâu đậm trong Nhân dân.
Bên cạnh đó, MTTQ Việt Nam còn phát huy mạnh mẽ vai trò là cầu nối tin cậy giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân thông qua việc tham mưu tổ chức hàng trăm cuộc đối thoại trực tiếp ở cấp huyện, xã. Qua đó, lắng nghe những ý kiến, kiến nghị, phản ánh của Nhân dân, đồng thời đề xuất giải pháp tháo những khó khăn, vướng mắc, tạo sự đồng thuận trong xã hội và củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.
Cùng với đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ động ký kết và triển khai hiệu quả các quy chế, chương trình phối hợp quan trọng với HĐND, UBND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giai đoạn 2021-2026. Sự phối hợp lan tỏa từ cấp tỉnh đến cơ sở. MTTQ Việt Nam các cấp cùng chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực tuyên truyền, thực hiện hiệu quả các nghị quyết của HĐND tỉnh, các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm như: Chương trình xây dựng nông thôn mới; bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn; phát triển du lịch, giảm nghèo bền vững gắn với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam phát động.
Uỷ ban MTTQ và các tổ chức CT-XH phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) giúp đỡ gia đình bà Trần Thị Nhiền, tổ 7 dỡ mái nhà, xóa nhà tạm.
MTTQ Việt Nam đã phát huy vai trò giám sát hoạt động của chính quyền, cán bộ, công chức và giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri. Hoạt động phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản pháp luật, chương trình, dự án quan trọng liên quan trực tiếp đến quyền lợi của Nhân dân cũng được chú trọng.
Với những nỗ lực, từ năm 2021 đến nay, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã ký kết 302 chương trình, kế hoạch phối hợp công tác, tăng 116 chương trình so với trước khi thực hiện Đề án. Điều này giúp huy động nguồn lực đáng kể, tạo thuận lợi tối đa cho MTTQ triển khai nhiệm vụ và các phong trào trên toàn tỉnh.
Theo đồng chí Hà Quang Phượng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chiêm Hóa, qua thực hiện Đề án, vai trò chủ động của MTTQ Việt Nam các cấp trong việc tham mưu và triển khai các quy chế, chương trình phối hợp được thực hiện hiệu quả, tạo nền tảng vững chắc cho mọi hoạt động. MTTQ cơ sở đã quan tâm, củng cố kiện toàn Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và các tổ hòa giải ở cơ sở… Qua đó, phát huy mạnh mẽ vai trò giám sát của người dân, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn. Các Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư tích cực vận động Nhân dân giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, cán bộ, đảng viên, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Các phong trào thi đua yêu nước được triển khai hiệu quả. Nổi bật là Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo, vượt mục tiêu đề ra; Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2025 thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái sâu sắc trong cộng đồng. Các phong trào khác, như "Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa" và "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" cũng đã tạo chuyển biến tích cực trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục được đổi mới mạnh mẽ về nội dung và hình thức; khai thác hiệu quả các phương tiện truyền thông. Công tác củng cố tổ chức, kiện toàn bộ máy và nâng cao năng lực cán bộ được chú trọng, quan tâm bố trí đảng viên có uy tín, năng lực làm Trưởng ban Công tác Mặt trận, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức này ở cơ sở. Các hội thảo khoa học, hội thi "Trưởng ban Công tác Mặt trận giỏi", "Cán bộ Mặt trận cơ sở giỏi" đã tạo diễn đàn để cán bộ Mặt trận giao lưu, học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
MTTQ Việt Nam các cấp ngày càng tích cực tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền thông qua các hoạt động giám sát, phản biện xã hội chất lượng và hiệu quả, cũng như tham gia vào quá trình lấy ý kiến Nhân dân đối với các dự thảo luật quan trọng, và tổ chức thành công các sự kiện chính trị lớn của tỉnh.
Có thể khẳng định, sau 5 năm thực hiện Đề án 02-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, MTTQ và các tổ chức CT-XH của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, chất lượng hoạt động được nâng lên; vai trò chủ trì hiệp thương của MTTQ Việt Nam được phát huy mạnh mẽ, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Nhờ đó, vị thế của MTTQ Việt Nam và các tổ chức CT-XH ngày càng được khẳng định, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết