Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh làm việc với Ban Tổ chức Tỉnh ủy về công tác cán bộ nữ

- Chiều 28-5, Đoàn công tác Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Chiến, Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Hành chính công làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ban Tổ chức Tỉnh ủy và các đơn vị liên quan về công tác cán bộ nữ.
 

Tham dự buổi làm việc có các đồng chí lãnh đạo Ủy ban MTTQ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, Sở Nội vụ, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Trường Chính trị tỉnh.

Buổi làm việc giữa Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh với Ban Tổ chức Tỉnh ủy về công tác cán bộ nữ.

Các đại biểu đã tập trung trao đổi về các nội dung trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW và Chỉ thị số 21-CT/TW về công tác phụ nữ; kết quả công tác cán bộ nữ và phát triển đảng viên nữ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025; phương hướng nhiệm kỳ tới; vai trò của Hội LHPN tỉnh trong công tác đào tạo, giới thiệu cán bộ nữ tham gia cấp ủy, chính quyền.

Qua đánh giá cho thấy, Tuyên Quang là một trong những địa phương thực hiện đồng bộ và hiệu quả các chính sách của Trung ương về công tác phụ nữ đứng đầu cả nước. Các cấp ủy đảng, chính quyền đã xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong việc triển khai các nghị quyết, chỉ thị về phụ nữ, bình đẳng giới và xây dựng đội ngũ cán bộ nữ. Việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng được thể hiện rõ qua hệ thống kế hoạch, đề án và quy định cụ thể của tỉnh.

Đồng chí Phạm Kiên Cường, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy phát biểu tại buổi làm việc.

Đội ngũ cán bộ nữ ngày càng phát triển về số lượng, nâng cao về chất lượng, đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Cán bộ nữ không chỉ tham gia cấp ủy, HĐND các cấp mà còn giữ các chức danh chủ chốt trong nhiều cơ quan, đơn vị. Trong giai đoạn 2020-2025, công tác cán bộ nữ trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy được nâng cao rõ rệt: Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh có 15/44 đồng chí là nữ (chiếm 34,09%); Ban Thường vụ Tỉnh ủy có 4/13 đồng chí là nữ (30,77%); cấp huyện đạt 25,11% và cấp cơ sở đạt 29,01%.

Bên cạnh đó, các mô hình như tổ truyền thông cộng đồng, câu lạc bộ thủ lĩnh thay đổi, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng… được nhân rộng đã góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bình đẳng giới, hỗ trợ phụ nữ tham gia nhiều hơn vào hoạt động chính trị - xã hội. Hội Phụ nữ các cấp cũng tích cực giới thiệu cán bộ nữ ứng cử các chức danh lãnh đạo trong kỳ đại hội đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Minh, thành viên Đoàn công tác phát biểu tại buổi làm việc.

Các đại biểu cũng chỉ ra một số hạn chế: Định kiến giới vẫn tồn tại; một số cấp ủy chưa mạnh dạn giao việc cho cán bộ nữ; cán bộ nữ còn tâm lý e ngại, tự ti. Từ thực tiễn đó, tỉnh xác định tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án số 15-ĐA/TU về xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng và mạnh dạn bố trí, luân chuyển để tạo nguồn lãnh đạo nữ kế cận; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đoàn thể trong công tác đào tạo, quy hoạch và giới thiệu cán bộ nữ...

Trên cơ sở làm việc, Đoàn công tác sẽ tổng hợp, nghiên cứu để tham mưu với lãnh đạo Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh có những đề xuất cơ chế, chính sách giải pháp với Đảng, Nhà nước tiếp tục thực hiện quả hơn nữa công tác cán bộ nữ tại các địa phương, nhất là trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy.

Tin, ảnh: Thanh Phúc

Tin cùng chuyên mục