Sức hút lớn
Nhà máy sản xuất chế biến nông sản JW tại Cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương) đang sẵn sàng đi vào hoạt động, với công suất thiết kế 3.000 tấn/năm và thực phẩm khác là 600 tấn/năm. Khi hoàn thành và đi vào hoạt động, nhà máy sẽ thu mua khoảng trên 22 nghìn tấn rau, củ, quả tươi làm nguyên liệu sản xuất mỗi năm, góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đây chỉ là một trong số nhiều dự án công nghiệp chế biến lớn đầu tư vào Tuyên Quang trong năm vừa qua.
Theo số liệu từ Sở Công thương, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 97 dự án đầu tư vào công nghiệp chế biến. Trong đó, chế biến nông sản có 15 dự án, chế biến lâm sản có 25 dự án, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng có 28 dự án, công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản khác có 7 dự án và công nghiệp dệt may da giày có 11 dự án.
Các dự án công nghiệp phụ trợ hiện cũng đang bắt đầu được các nhà đầu tư đổ về Tuyên Quang. Hiện, toàn tỉnh có 18 dự án, trong đó lĩnh vực cơ khí có 3 dự án, trong đó 1 dự án đã hoạt động sản xuất; 2 dự án còn lại đang thực hiện các thủ tục để chuẩn bị đầu tư là Nhà máy sản xuất gia công các sản phẩm cơ khí, Nhà máy sản xuất, chế tạo các cấu kiện kim loại, sửa chữa, bảo dưỡng xe cơ giới, máy công trình, công suất kết cấu thép.
Sản xuất giấy tại Công ty cổ phần Giấy An Hòa, Khu công nghiệp Long Bình An.
Về công nghiệp phụ trợ khác có 15 dự án, trong đó lắp ráp linh kiện điện tử có 2 dự án là Nhà máy sản xuất, gia công thiết bị tai nghe FUTURE OF SOUND VINA; Nhà máy sản xuất lắp ráp linh kiện điện tử K-Electronic II hiện đang trong quá trình đầu tư dự án. Ngoài ra là các nhà máy sản xuất bao bì, vải bạt...
Số lượng các dự án đầu tư vào công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng qua các năm đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh. Trong năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) tăng 16,6% so với năm 2021, trong đó, giá trị sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ chiếm 86,3% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh.
Mở đường phát triển
Theo đánh giá của Sở Công thương, Tuyên Quang đang có dư địa rất lớn để thu hút và phát triển các dự án công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ. Như nguồn nguyên liệu dồi dào, ổn định, lực lượng lao động đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và hạ tầng giao thông, công nghiệp đang ngày càng được hoàn thiện, đồng bộ.
Tiếp tục thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến và công nghiệp phụ trợ, trong năm 2023 và những năm tiếp theo, ngành Công thương tiếp tục duy trì quy mô, công suất các dự án sản xuất chế biến, đặc biệt triển khai nhanh và có chính sách hỗ trợ thiết thực, kịp thời đối với các dự án công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản.
Nhà máy đường Sơn Dương vừa bước vào đợt ép đầu tiên trong niên vụ 2022 - 2023 sau 2 năm tạm dừng sản xuất. Ngay trong ngày đầu tiên của vụ sản xuất, có 1.500 tấn mía nguyên liệu đã được đưa vào ép, theo tính toán công suất ép sẽ đạt 1.800 - 2.000 tấn/ngày. Sau những chính sách hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu của nhà máy và sự vào cuộc của các địa phương, hơn 1.700 ha mía nguyên liệu đã được thực hiện với nhiều giống mía cho năng suất, chất lượng cao.
Nhà máy đường Sơn Dương bắt đầu vụ ép niên vụ 2022 - 2023 sau 2 năm tạm dừng sản xuất.
Trong năm 2023, Sở Công thương tiếp tục đôn đốc đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành đi vào sản xuất theo đúng thời gian đăng ký đối với các dự án sản xuất công nghiệp chế biến đã có chủ trương đầu tư, trong đó tập trung vào các dự án trọng điểm như: mở rộng Nhà máy bột giấy và giấy An Hòa, mở rộng Nhà máy gang thép Tuyên Quang, Nhà máy luyện kẽm Tuyên Quang... Kiên quyết xử lý đối với các dự án không triển khai, chậm triển khai, không thực hiện đúng quy định.
Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp chế biến, nhất là công nghiệp chế biến nông, lâm sản, đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ công nghệ cao gắn với liên kết vùng nguyên liệu với các tỉnh lân cận.
Ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp chủ lực nhằm nâng cao giá trị sản xuất, và để công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, ngành công thương tập trung đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học, đổi mới công nghệ, khuyến công, khuyến khích sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, công nghệ xanh thân thiện với môi trường trong các cơ sở sản xuất công nghiệp chế biến nông, lâm sản và công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, điện tử.
Tỉnh hiện đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, chủ động triển khai có hiệu quả đầu tư kết cấu hạ tầng quan trọng như giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước và công nghệ hạ tầng số làm cơ sở cho thành lập, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp có trong quy hoạch làm cơ sở thu hút đầu tư.
Với những bước đi này, việc hoàn thành một trong 3 khâu đột phá của tỉnh sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đang dần đến đích. Đây cũng là cơ sở để Tuyên Quang tiếp tục tính toán, đưa sản xuất công nghiệp chuyển dịch nhanh theo chiều sâu và đột phá về năng suất, chất lượng trong tương lai.
Gửi phản hồi
In bài viết