Đồng chí Nguyễn Minh Hùng, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh cho biết: hiện nay, phiên tòa xét xử trực tuyến tại tỉnh ta được thực hiện thông qua hệ thống thiết bị công nghệ thông tin quan sát tại phiên tòa, điểm cầu trung tâm đặt tại Tòa án nhân dân 2 cấp và điểm cầu thành phần đặt tại Trại tạm giam Công an tỉnh. Việc mở phiên tòa xét xử trực tuyến đang từng bước thực hiện quy trình cải cách tư pháp, giúp tòa án giải quyết tình trạng hoãn các phiên tòa do vắng mặt bị cáo và nhiều người tham gia tố tụng, đảm bảo an toàn cho người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, lưu trữ, bảo quản hồ sơ vụ án, giúp đẩy nhanh tiến độ giải quyết các loại án.
Mới đây, trong 2 ngày 15 và 16-9, Tòa án nhân dân huyện Hàm Yên đã mở 6 phiên tòa xét xử trực tuyến. Các phiên tòa xét xử tội tàng trữ trái phép chất ma túy; tội đánh bạc và tội cố ý gây thương tích. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuân thủ đầy đủ các quy trình xét xử, 9 bị cáo được thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Kết thúc 6 phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt mức án cho các bị cáo từ 1 năm 3 tháng tù đến 7 năm 6 tháng tù. Đồng chí Ma Thị Tuyết Mai, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Hàm Yên cho biết, Tòa án nhân dân huyện Hàm Yên đơn vị đầu tiên trong tỉnh tổ chức xét xử phiên tòa trực tuyến, đến nay đã xét xử được 11 vụ. Thực tế cho thấy, việc kết nối giữa điểm cầu trung tâm với điểm cầu thành phần vẫn cho phép bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng tham gia phiên tòa bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng liên tục, công khai, vào cùng một thời điểm.
Một phiên tòa trực tuyến tại Tòa án nhân dân huyện Hàm Yên.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh ta đã tổ chức được 33 phiên tòa trực tuyến. Đồng chí Nguyễn Minh Hùng, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh cho biết, theo Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội, tòa án nhân dân được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm các vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng, trừ các trường hợp vụ án hình sự, dân sự, hành chính liên quan đến bí mật Nhà nước; vụ án hình sự về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia và vụ án hình sự về một trong các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh.
Theo Thông tư liên tịch số 05/2021 giữa Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, trong thời hạn 3 ngày đối với vụ án giải quyết theo thủ tục thông thường, 1 ngày đối với vụ án giải quyết theo thủ tục rút gọn, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án thì Viện kiểm sát sẽ có văn bản trả lời về việc mở phiên tòa trực tuyến có kế hoạch phân công nhiệm vụ cho các thành viên tham gia phiên tòa. Thông tư cũng quy định, trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử mà cơ sở giam giữ xét thấy không thể trích xuất bị cáo đến địa điểm do tòa án quyết định thì phải có văn bản đề nghị tòa án cho phép tổ chức điểm cầu thành phần tại cơ sở giam giữ của mình… Đồng chí Hoàng Thị Minh Khánh, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Sơn Dương cho biết: mặc dù trước phiên tòa 1 ngày sẽ có đội ngũ cán bộ thực hiện công tác kiểm tra các thiết bị ghi hình, truyền dẫn trong phiên tòa trực tuyến, kết nối với Trại tạm giam Công an tỉnh, tuy nhiên trong trường hợp trước khi diễn ra phiên tòa hoặc trong quá trình diễn ra phiên tòa trực tuyến mà hệ thống trực tuyến bị gián đoạn do lỗi kết nối đường truyền, mất điện hoặc sự cố khác làm phiên tòa không thể tiếp tục được thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm ngừng phiên tòa.
Việc tổ chức thành công phiên tòa hình sự trực tuyến sẽ là tiền đề quan trọng để đưa ra xét xử nhiều vụ án thuộc các lĩnh vực như dân sự, hành chính, kinh tế… trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Gửi phản hồi
In bài viết