Nhà máy lắp ráp và thử nghiệm vi mạch điện tử của Công ty TNHH Intel Products Việt Nam tại Khu công nghệ cao Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh INTEL)
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/9/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 20 tỷ USD, tăng 7,7% so cùng kỳ. Đáng lưu ý, ngoài vốn đầu tư điều chỉnh giảm, vốn đầu tư mới và góp vốn mua cổ phần tiếp tục xu hướng tăng.
Điểm đến của nhà đầu tư
Trong chín tháng qua, có 2.254 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt hơn 10,23 tỷ USD, tăng 66,3% về số lượng dự án và tăng 43,6% về vốn đăng ký. Các nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện 2.539 giao dịch góp vốn mua cổ phần tại doanh nghiệp Việt Nam với tổng giá trị vốn góp đạt hơn 4,82 tỷ USD, giảm 5,9% về số lượng giao dịch nhưng tăng 47% về giá trị góp vốn.
Riêng vốn điều chỉnh của nhà đầu tư nước ngoài vẫn giảm mạnh 37,3% nhưng mức giảm đã có sự cải thiện so với các tháng trước. Bên cạnh đó, số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng duy trì mức tăng so cùng kỳ, khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam và tiếp tục đưa ra các quyết định mở rộng dự án hiện hữu.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, kết quả trên cho thấy các giải pháp quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong những tháng đầu năm đã mang lại hiệu quả trong việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp triển khai thực hiện giải ngân vốn đầu tư.
Nhận định về tình hình thu hút vốn FDI quý III và chín tháng năm 2023, bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Thống kê công nghiệp và xây dựng (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết tốc độ tăng số dự án mới (tăng 66,3%) cao hơn nhiều so với tốc độ tăng tổng vốn đầu tư mới (tăng 43,6%) cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài quy mô vừa và nhỏ tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam cho nên đã đưa ra các quyết định đầu tư mới. Ngược lại, các tập đoàn lớn hiện đang cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực từ năm 2024. Các dự án đầu tư mới vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bình Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Đồng Nai… Đây là những địa phương có cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư.
Kết quả thu hút vốn FDI chín tháng năm 2023 cho thấy các nhà đầu tư đến từ châu Á, các đối tác đầu tư truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Điều này thể hiện qua con số sáu đối tác lớn nhất gồm: Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Công (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc) chiếm tới 78,81% tổng vốn FDI đăng ký của cả nước và đều có mức vốn đăng ký đạt hơn một tỷ USD, riêng Singapore đạt gần bốn tỷ USD.
Cơ hội đón dòng vốn chất lượng cao
Các chuyên gia kinh tế lạc quan cho rằng đây là thời điểm mang tính chất bước ngoặt trong chiến lược thu hút vốn ngoại của Việt Nam với những thay đổi đáng kể về chất lượng vốn FDI. Kỳ vọng lớn nhất là Việt Nam có nhiều cơ hội thu hút dòng vốn chất lượng cao nhờ xung lực mới mạnh mẽ, tích cực của chính sách ngoại giao của Việt Nam với các đối tác lớn, trong đó có Hoa Kỳ.
Nhiều dự báo cho thấy, việc Việt Nam-Hoa Kỳ nâng mức quan hệ từ Đối tác toàn diện lên Đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và những cơ hội hợp tác đầu tư sau chuyến công tác Hoa Kỳ mới đây của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ làm thay đổi "bản đồ" FDI của Việt Nam từ những dự án đầu tư của Mỹ.
Lũy kế đến ngày 20/8/2023, Hoa Kỳ có 1.286 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 11,7 tỷ USD, trở thành nhà đầu tư lớn thứ 11 trong tổng số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ hiện đang có đầu tư tại Việt Nam. Con số này còn cách xa tiềm năng hợp tác đầu tư giữa hai nước, vì các nhà đầu tư Mỹ luôn có mong muốn trở thành nhà đầu tư số 1 ở Việt Nam trong khi định hướng thu hút FDI của Việt Nam trong giai đoạn mới đang hướng tới các dự án có công nghệ cao, công nghệ nguồn là lĩnh vực mà doanh nghiệp Hoa Kỳ luôn dẫn đầu thế giới.
Triển vọng thu hút vốn FDI chất lượng cao đang trở nên rõ nét hơn khi mới đây, Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ cùng nhiều doanh nghiệp đã đến Việt Nam tìm hiểu môi trường đầu tư như là một địa điểm dịch chuyển sản xuất chip trong bối cảnh mới. Ngành công nghiệp bán dẫn cũng trở thành một trong những nội dung quan trọng trong các cuộc gặp gỡ, trao đổi giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ trong chuyến công tác của Thủ tướng diễn ra tháng 9 vừa qua.
Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 đã xác định phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Để hiện thực hóa chủ trương trong việc chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam xác định những lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là công nghiệp bán dẫn là một trong những lĩnh vực tạo đột phá, là cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hiện nay, Việt Nam đang có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, nhưng để biến cơ hội thành hiện thực còn rất nhiều việc phải làm.
Theo ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN, thu hút nhà đầu tư Hoa Kỳ trong lĩnh vực công nghệ là thách thức không nhỏ vì nhà đầu tư yêu cầu rất cao với các điều kiện mang tính đặc thù. Hơn nữa, Việt Nam đang thiếu hụt nguồn nhân lực, đặc biệt là kỹ sư vi mạch và còn những hạn chế về cơ sở hạ tầng, nguồn cung năng lượng sạch. Do đó, Việt Nam cần chuẩn bị tốt nguồn nhân lực để đón cơ hội phát triển ngành công nghiệp quan trọng này.
Đề xuất giải pháp thu hút FDI có chất lượng trong thời gian tới, Tổng cục Thống kê kiến nghị Chính phủ tập trung hoàn thiện thể chế về đầu tư theo hướng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, nghiên cứu và ban hành các chính sách phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực để thu hút được dòng vốn FDI chất lượng; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế ưu tiên doanh nghiêp công nghệ cao và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước. Về phần mình, các doanh nghiệp trong nước cũng cần nỗ lực nâng cao năng lực về công nghệ, chất lượng lao động, quản lý,... để đáp ứng đủ điều kiện khi doanh nghiệp FDI đặt hàng và hỗ trợ hoàn thiện quy trình sản xuất, tăng cơ hội liên kết. Đồng thời, cần chủ động theo dõi, đánh giá xu hướng dịch chuyển FDI vào Việt Nam để có những điều chỉnh chính sách phù hợp trong việc thu hút dòng vốn FDI có chất lượng.
Gửi phản hồi
In bài viết