Xoài là một trong những mặt hàng trái cây của Việt Nam được xuất khẩu sang nhiều thị trường trên thế giới.
Với tốc độ tăng trưởng này, dự báo cả năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ vượt con số 5 tỷ USD - một kỷ lục mới của ngành hàng rau quả.
Tăng trưởng mạnh ở nhiều thị trường
Tính riêng 8 tháng đầu năm 2023, chủng loại quả là chủng loại xuất khẩu chính trong cơ cấu mặt hàng rau quả và ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao. Trong cơ cấu chủng loại quả xuất khẩu, có trái thanh long và trái chuối giảm, trong khi các chủng loại quả khác có xu hướng tăng mạnh.
Đáng chú ý, trị giá xuất khẩu sầu riêng liên tục ghi nhận ở mức cao đã tác động tích cực lên toàn ngành rau quả. Trị giá xuất khẩu trái sầu riêng trong 8 tháng đầu năm 2023 đạt 1,28 tỷ USD, tăng 708,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong tháng 8/2023, trị giá xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 266,3 triệu USD, tăng 186,3% so với tháng 8/2022. Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt 2,3 tỷ USD, tăng 134% so với cùng kỳ năm 2022. Tiếp theo, hàng rau quả xuất khẩu sang các thị trường như Hàn Quốc, Hà Lan, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng khả quan.
Ngoài ra, hàng rau quả Việt Nam cũng đang được đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Australia. Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), Việt Nam là thị trường cung cấp chính quả xoài, nhãn, vải, thanh long cho Australia trong 6 tháng đầu năm 2023, đạt 2,7 triệu USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 48,6% tổng trị giá nhập khẩu.
Xuất khẩu sầu riêng tăng trưởng mạnh trong 3 quý đầu năm 2023.
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên, hàng rau quả của nước ta có rất nhiều tiềm năng xuất khẩu, tuy nhiên, hiện nay sản phẩm chủ yếu xuất khẩu thô, ở dạng quả tươi.
Trong khi đó, sản phẩm rau quả chế biến đang được người tiêu dùng trên thị trường thế giới tăng tiêu thụ. Đây cũng là chủng loại xuất khẩu lớn thứ 2 trong cơ cấu hàng rau quả của Việt Nam, tuy nhiên trị giá xuất khẩu chủng loại hàng rau quả chế biến vẫn còn ở mức thấp. Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh áp dụng khoa học - công nghệ, gia tăng chế biến hàng rau quả để đáp ứng nhu cầu của nhiều thị trường.
Bảo đảm nguồn cung chất lượng
Theo thống kê của Cục Trồng trọt, ước sản lượng các loại cây ăn quả chính (xoài, chuối, thanh long, dứa, cam, quýt, bưởi, nhãn, chôm chôm, sầu riêng, mít) toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2023 là 5.335 nghìn tấn; trong đó ước sản lượng 8 tháng đầu năm 2023 là 3.645 nghìn tấn; ước sản lượng 4 tháng cuối năm 2023 là 1.629 nghìn tấn.
Trong khi đó, theo thông lệ hàng năm, xuất khẩu hàng rau quả thường đạt mức cao trong các tháng cuối năm nhờ nhu cầu thị trường tăng. Do đó, nguồn cung trái cây dồi dào sẽ đáp ứng tốt các đơn hàng xuất khẩu trong thời gian tới. Tuy nhiên, xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường xuất khẩu chủ lực là Trung Quốc cần chú ý các yêu cầu về kiểm dịch thực vật đối với các lô hàng chuối, mít, xoài, nhãn, thanh long và sầu riêng.
Đối với các thị trường như Australia, Mỹ, Liên minh châu Âu, để mở rộng thị phần, các doanh nghiệp cần tăng cường kiểm soát chất lượng vùng trồng, hoàn thiện hệ thống đăng ký, đánh giá cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến.
Cơ quan chức năng cũng cần xây dựng các chương trình hỗ trợ phát triển thương hiệu và đăng ký bảo hộ thương hiệu nông sản xuất khẩu sang Australia; Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại kết nối giao thương cho doanh nghiệp hai nước; Thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất, thương mại nông sản. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng hơn nữa về bao bì sản phẩm, quan tâm chú ý về các thủ tục hải quan, đóng gói giúp hàng hóa tươi ngon.
Gửi phản hồi
In bài viết