Theo Giám đốc quản lý sản phẩm Messenger Ruth Kricheli, với sự điều chỉnh trên, nội dung tin nhắn và cuộc gọi của người dùng (bao gồm cả có và không hình ảnh) đều sẽ được mã hóa từ đầu đến cuối ngay tại thời điểm nội dung được gửi đi từ thiết bị của người dùng cho đến thời điểm nội dung đến được thiết bị của người nhận. Điều này có nghĩa là không một ai, kể cả Facebook có thể xem và nghe nội dung tin nhắn và hội thoại người dùng thực hiện.
Trên thực tế, Messenger đã có khả năng mã hóa các cuộc gọi hoặc tin nhắn từ năm 2016 thông qua cơ chế đàm thoại bí mật (Secret Conversation), nhưng chỉ kích hoạt khi người dùng yêu cầu. Tới nay, do số lượng cuộc gọi hình ảnh qua dịch vụ đã tăng lên 150 triệu lượt/ngày, Facebook quyết định chuyển chế độ mã hóa sang mặc định.
Bên cạnh các cuộc gọi, Facebook cũng bổ sung tính năng cho cơ chế nhắn tin qua Messenger. Theo đó, người dùng có thể rút ngắn thời gian biến mất của các tin nhắn xuống tối thiểu chỉ 5 giây, thay vì các tùy chọn 1 phút, 15 phút, 1 tiếng, 4 tiếng, 24 tiếng như trước đây.
Cũng trong thông báo đưa ra, Facebook tiết lộ đang thử nghiệm mã hóa các cuộc trò chuyện nhóm và cuộc gọi trên Messenger, cũng như tin nhắn trực tiếp trên hệ thống của Instagram. Tuy nhiên, những tính năng này trước mắt chỉ kích hoạt dành cho một số nhóm người dùng nhất định.
Động thái mới của Facebook được nhận định sẽ giúp ứng dụng Messenger tăng sức cạnh tranh trước Zoom, Signal hay Facetime của Apple. Tuy nhiên, việc các hãng công nghệ đẩy mạnh triển khai cơ chế "mã hóa đầu cuối" khiến Cục Điều tra liên bang (FBI) Mỹ quan ngại về việc có thể tạo ra lớp bảo vệ cho tội phạm, những kẻ khủng bố, qua đó gây khó khăn đối với hoạt động điều tra.
Gửi phản hồi
In bài viết