Bà Rosemary DiCarlo, Phó Tổng thư ký phụ trách các vấn đề Chính trị và Xây dựng hòa bình của Liên hợp quốc. Ảnh: Reuters
Cuộc họp kéo dài hai ngày (30-6 đến 1-7) do Liên hợp quốc chủ trì là sự kiện đầu tiên có sự tham dự của Taliban, lực lượng chưa được quốc tế công nhận kể từ khi lên nắm quyền ở Afghanistan vào năm 2021.
Bà DiCarlo nêu rõ trong một tuyên bố: "Trong tất cả các cuộc thảo luận, tôi và các đặc phái viên đều bày tỏ mối quan ngại sâu sắc của quốc tế về những hạn chế nghiêm trọng và đang diễn ra đối với phụ nữ và trẻ em gái. Afghanistan không thể quay trở lại hội nhập quốc tế hoặc phát triển đầy đủ về kinh tế và xã hội nếu nước này bị tước đi sự đóng góp và tiềm năng của một nửa dân số”.
Kể từ khi Taliban quay trở lại nắm quyền, hầu hết trẻ em gái đã bị cấm học trung học và không được phép vào đại học. Taliban cũng đã ngăn cấm hầu hết nhân viên nữ người Afghanistan làm việc tại các cơ quan viện trợ, đóng cửa các thẩm mỹ viện, cấm phụ nữ vào công viên và hạn chế việc đi lại của phụ nữ nếu không có người giám hộ là nam giới.
Theo bà DiCarlo, các cuộc tiếp xúc với phái đoàn Taliban tại hội nghị ở Doha không có nghĩa là công nhận lực lượng này mà là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề mà hàng triệu người Afghanistan đang phải đối mặt. Các cuộc thảo luận tại hội nghị hôm 1-7 tập trung vào khu vực tư nhân và đặc biệt là vấn đề ma túy và bà DiCarlo cho biết đã "có sự nhất trí rộng rãi về nhu cầu vạch ra một con đường để tiến về phía trước".
Gửi phản hồi
In bài viết