Tên lửa đẩy H3 mang theo vệ tinh ALOS-4 đi vào quỹ đạo Trái đất. Ảnh: JAXA
Vệ tinh quan sát mặt đất nâng cao ALOS-4, được phóng bằng tên lửa đẩy H3 từ Trung tâm Vũ trụ Tanegashima, có nhiệm vụ chủ yếu là quan sát Trái đất, thu thập dữ liệu để ứng phó với thảm họa và lập bản đồ. Nó cũng có khả năng giám sát hoạt động quân sự, như các vụ phóng tên lửa bằng cảm biến hồng ngoại do Bộ Quốc phòng Nhật Bản phát triển.
Vụ phóng ban đầu được lên kế hoạch vào ngày 30-6 nhưng đã bị trì hoãn do thời tiết xấu tại địa điểm phóng.
Các nhà khoa học Nhật Bản cho biết, sau khi cất cánh 16 phút, ALOS-4 đã được triển khai vào quỹ đạo thấp của Trái đất theo kế hoạch.
ALOS-4 là vệ tinh đời sau của ALOS-2 và có thể quan sát một khu vực rộng hơn nhiều. Nhật Bản sẽ hoạt động cả hai vệ tinh trong thời điểm hiện tại.
Đây là lần phóng thứ ba của hệ thống H3, sau lần phóng thành công vào ngày 17-2.
Là một quốc gia tương đối nhỏ về số lần phóng tên lửa vào không gian, Nhật Bản đang tìm cách khôi phục chương trình vệ tinh của mình khi hợp tác với đồng minh Mỹ trong cuộc đua với Trung Quốc.
JAXA và nhà thầu chính Mitsubishi Heavy Industries (MHI) đã phát triển hệ thống H3 trong 2 giai đoạn để thay thế tên lửa H-2A, dự kiến sẽ ngừng hoạt động cuối năm nay sau 20 năm phục vụ.
MHI cuối cùng sẽ tiếp quản việc sản xuất và phóng H3 từ JAXA và hy vọng sẽ tăng cường tính khả thi về mặt thương mại bằng cách cắt giảm chi phí phóng xuống khoảng một nửa so với H-2A.
Gửi phản hồi
In bài viết