HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh, phường Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang) chuyên sản xuất chè đi đầu trên địa bàn tỉnh về việc chuyển đổi số. Anh Nguyễn Công Sử, Giám đốc HTX cho biết, hiện nay, HTX có 60 ha chè được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, chủ yếu là giống chè Ngọc Thúy, Bát Tiên và LDP1. Hàng năm, hợp tác xã sản xuất trên 50 tấn chè khô thành phẩm, sản phẩm có quanh năm đồng nghĩa với việc thị trường tiêu thụ phải ổn định thì thu nhập của thành viên mới được bảo đảm.
HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh, phường Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang) ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Với mục tiêu không để đứt gãy chuỗi sản xuất, HTX đã linh hoạt tìm kiếm thị trường thông qua mạng xã hội và sàn thương mại điện tử. Từ năm 2020 đến nay, dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid - 19, các sản phẩm của HTX vẫn đều đặn xuất ra thị trường. Đặc biệt, thông qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử Smartgap, Postmart… HTX đã tiếp cận được các cửa hàng bán lẻ, khách hàng có nhu cầu, chính vì vậy thị trường tiêu thụ đa dạng, không có tình trạng hàng tồn do không tiêu thụ được. Hiện nay, sản phẩm chè xanh của HTX đã có mặt tại các thị trường như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bình Phước, Vũng Tàu…
Dịch Covid – 19 lần thứ tư bùng phát đã tác động không nhỏ đến mọi mặt của đời sống xã hội, nhiều HTX gặp khó trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Để nhanh chóng thích nghi, HTX chăn nuôi ong Phong Thổ (TP Tuyên Quang) đã chủ động xây dựng website, tham gia các hoạt động kinh doanh, quảng cáo trực tuyến trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Với cách làm này đã giúp doanh thu của HTX tăng khoảng 30% so với trước đây. Chị Bùi Thanh Hà, thành viên HTX chăn nuôi ong Phong Thổ cho biết, thông qua các sàn thương mại điện tử HTX cũng đã ký kết tiêu thụ sản phẩm với một số doanh nghiệp tại Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, các sản phẩm mật ong của HTX được tiêu thụ ổn định, đảm bảo thu nhập cho các thành viên. Thời gian tới, HTX sẽ phối hợp với Liên minh HTX tỉnh tổ chức các lớp tập huấn về chuyển đổi số cho các thành viên trong hợp tác xã để thay đổi cách thức kinh doanh từ bán hàng truyền thống sang trực tuyến kết hợp giao hàng tận nơi đã góp phần mở rộng đối tượng khách hàng của HTX, qua đó số lượng hàng hóa tiêu thụ cũng tăng đáng kể.
Một buổi tập huấn về chuyển đổ số cho các HTX đã được Liên minh HTX tỉnh tổ chức.
Là một trong những đơn vị đồng hành cùng với các HTX trên địa bàn tỉnh trong quá trình chuyển đổi số, Công ty cổ phần Công nghệ DES (TP Tuyên Quang) đang phối hợp với Liên minh HTX tỉnh tổ chức các lớp tập huấn nhằm hỗ trợ cho các HTX tiếp cận các nền tảng công nghệ mới. Từ đó tạo nên chuỗi từ khâu đưa các hình ảnh sản phẩm đến khâu quản lý thống kê các đơn hàng, chăm sóc khách hàng, khâu vận chuyển logistic. Chị Trần Thị Huệ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ DES cho biết, để giúp người dân, doanh nghiệp và các HTX hoàn thiện các quy trình chuyển đổi số, công ty đã xây dựng môi trường có hệ sinh thái số Viet Connect tích hợp các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, OTT chat, trình duyệt tìm kiếm để quản lý, điều hành đơn vị mình được hiệu quả nhất.
Đồng chí Cao Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho rằng, việc chuyển đổi số trong hệ thống HTX trong giai đoạn này là việc làm cần thiết. Để giúp các HTX nắm được những vấn đề cơ bản khi tham gia thực hiện chuyển đổi số, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã tích cực mở các lớp tập huấn chuyển đổi số nhằm giúp các HTX ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là việc tiếp cận thị trường tiêu thụ, hướng tới phát triển bền vững. Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn về chuyển đổi số cho thành viên các HTX với hình thức “cầm tay chỉ việc”. Đồng thời, khảo sát, kiểm tra thực trạng hoạt động của các HTX từ đó lựa chọn những HTX thực sự hoạt động hiệu quả, nắm bắt được công nghệ thông tin và đội ngũ cán bộ có năng lực, nhiệt tình để xây dựng các điển hình tham gia vào thực hiện chuyển đổi số…
Gửi phản hồi
In bài viết