Chứng chỉ “treo”
Được cấp chứng chỉ rừng bền vững từ năm 2018, Tiến Bộ hiện có hơn 1.451 ha rừng đã có chứng chỉ. Nhưng, chứng chỉ này hiện đang bị “treo”. Ông Nịnh Văn Lìn, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Tiến Huy, xã Tiến Bộ - đơn vị đứng ra vận động, hướng dẫn và hỗ trợ 668 hộ dân thực hiện cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quốc tế chia sẻ: Thực hiện cấp chứng chỉ rừng FSC là một cuộc cách mạng đối với cả đội ngũ quản trị hợp tác xã và người dân. Rất nhiều lợi ích thiết thực được mang lại, trong đó đáng kể nhất là thói quen sản xuất và cải thiện môi trường sống. Đi kèm với nó là giá trị kinh tế từ rừng trồng.
Tuy nhiên, chứng chỉ rừng này chỉ duy trì được 2 năm thì... đứt đoạn. Theo ông Nịnh Văn Lìn, nguyên nhân chính là thiếu vốn. Mỗi chứng chỉ rừng có hiệu lực 5 năm, trong 5 năm đấy, doanh nghiệp, nhóm hộ sẽ phải thực hiện đánh giá định kỳ 1 năm/lần. Chi phí cho mỗi lần đánh giá định kỳ này dao động từ 500 - 600 triệu đồng. Đối với một hợp tác xã nông lâm nghiệp, đây là con số không hề nhỏ. Năm 2019, Hợp tác xã Tiến Huy tự bỏ chi phí để đánh giá lại. Những năm sau thì dừng hẳn. Chứng chỉ rừng của 668 hộ dân ở Tiến Bộ phải đến năm 2023 mới hết hiệu lực, nhưng đến thời điểm này đã bị “treo” vì không hoàn thành cam kết đánh giá lại hàng năm.
Đại diện Công ty Woodsland Tuyên Quang điều tra rừng tại xã Nhữ Hán (Yên Sơn).
Ông Nịnh Văn Lìn cho biết, rất tiếc, nhưng với số chi phí lớn như vậy, mình hợp tác xã không “gánh” nổi. Chính vì thế, năm 2020, hợp tác xã có dự định mở rộng diện tích rừng được cấp chứng chỉ thêm 1.500 ha nữa, Ngân sách nhà nước cũng đã hỗ trợ mỗi ha 300 nghìn đồng, nhưng ông Lìn cho biết, số tiền hỗ trợ này chỉ như “muối bỏ bể”, thành ra hợp tác xã phải trả lại nguồn tiền hỗ trợ cho nhà nước.
Trong hơn 1.451 ha rừng có chứng chỉ, thì có trên 500 ha rừng từ 10 năm tuổi trở lên, còn lại duy trì từ 5 - 6 năm. Giám đốc Hợp tác xã Nịnh Văn Lìn cho biết, đối với những người trồng rừng, đây là thiệt thòi rất lớn. Bởi, mỗi ha rừng có chứng chỉ sẽ được thu mua nhỉnh hơn so với giá thị trường 10%.
Nỗ lực mở rộng
Theo Chi cục Kiểm lâm, đến hết năm 2021, toàn tỉnh đã có gần 35 nghìn ha rừng được cấp chứng chỉ. Trong đó, trên 15,6 nghìn ha của các công ty lâm nghiệp được cấp lại, còn lại là của các nhóm hộ.
Năm 2022, tỉnh sẽ phấn đấu có thêm 12,3 nghìn ha rừng được cấp chứng chỉ, trong đó nhiều nhất là Yên Sơn 6.000 ha, Hàm Yên, Sơn Dương mỗi địa phương 3.000 ha, Chiêm Hóa 1.500 ha và TP Tuyên Quang 300 ha.
Ông Phan Văn Thuế, đại diện Hợp tác xã An Việt Phát tại Tuyên Quang cho biết, mục tiêu đến năm 2025, An Việt Phát sẽ hỗ trợ người dân 4 huyện là Hàm Yên, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn cấp chứng chỉ cho trên 90 nghìn ha. Toàn bộ diện tích này sẽ được hợp tác xã thu mua nguyên liệu, cung cấp cho nhà máy chế biến gỗ của đơn vị đặt tại xã Thái Long (TP Tuyên Quang), quy mô khoảng 500 tấn nguyên liệu/ngày.
Người dân xã Tiến Bộ (Yên Sơn) được hướng dẫn thực hiện trồng, chăm sóc rừng theo tiêu chuẩn bền vững.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Triệu Đăng Khoa cho biết, hiện nay, việc thu hút các doanh nghiệp tham gia hỗ trợ các nhóm hộ đang được ngành nông nghiệp và các địa phương tích cực thực hiện, để ngoài việc đồng hành về mặt kỹ thuật, nhóm hộ sẽ nhận được sự hỗ trợ về kinh tế để thực hiện việc mời chuyên gia đánh giá. Trong số hơn 19 nghìn ha sẽ được cấp mới trong năm nay, đều có sự đồng hành của các doanh nghiệp, hợp tác xã như Woodsland, An Việt Phát, Phú Lâm, Phú Thịnh...
Ngoài chứng chỉ rừng FSC, Tuyên Quang cũng đang thực hiện đồng thời chứng chỉ rừng VFCS (Hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam). Rừng được cấp chứng chỉ VFCS đã được Chương tình chứng nhận chứng chỉ rừng PEFC công nhận các quy định và yêu cầu của PEFC từ tháng 10-2020, có thể lưu hành được trên 50 quốc gia và đặc biệt là phù hợp với những nhóm hộ có diện tích rừng nhỏ như Tuyên Quang.
Giám đốc Hợp tác xã Tiến Huy Nịnh Văn Lìn cho biết, vừa rồi đại diện Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam cũng đã có hướng dẫn đối với doanh nghiệp trong việc chuyển đổi thủ tục cấp chứng chỉ rừng từ chứng chỉ FSC sang chứng chỉ VFCS. Hiện đơn vị đang nghiên cứu các tiêu chuẩn của Hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam và tính toán chuyển sang thực hiện, đánh giá theo tiêu chuẩn này trong năm nay hoặc 1 - 2 năm tới.
Rừng có chứng chỉ sẽ mở ra cơ hội cho các sản phẩm lâm nghiệp của Tuyên Quang vươn ra thị trường thế giới, góp phần gia tăng giá trị cho ngành lâm nghiệp. Với lợi thế về rừng và đất rừng, Tuyên Quang đang tập trung thực hiện mục tiêu có ít nhất 90 nghìn ha rừng được cấp chứng chỉ vào năm 2025.
Thu hút doanh nghiệp cùng đồng hành với người trồng rừng sẽ không chỉ góp phần thực hiện mục tiêu này, mà còn góp phần đưa tỉnh trở thành trung tâm sản xuất chế biến gỗ của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ theo đúng tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị.
Gửi phản hồi
In bài viết