Hội thảo du lịch lễ hội ASEAN.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Hà Văn Siêu cho biết, Tổ chức Du lịch thế giới đánh giá, du lịch quốc tế đang trên đà phục hồi và sẽ đạt được khoảng 90% so với mức trước đại dịch vào cuối năm nay. Theo dự báo của nhiều chuyên gia du lịch, ngành Du lịch thế giới có khả năng phục hồi hoàn toàn từ năm 2024 trở đi. Tuy nhiên, khu vực Đông Á đang có sự phục hồi chậm hơn so với đà phục hồi chung của thế giới. Cụ thể trong 9 tháng đầu năm nay, khu vực này mới chỉ phục hồi được khoảng 60% so mức trước đại dịch.
Trước bối cảnh đó, hai năm qua du lịch ASEAN đã đẩy mạnh hợp tác nhằm phát triển bền vững và phục hồi nhanh chóng sau đại dịch. Vấn đề xây dựng sản phẩm du lịch để nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến ASEAN là một trong những nội dung quan trọng của các chính sách trọng tâm này, trong đó “Phát triển du lịch lễ hội ASEAN” là một trong các dự án được kỳ vọng sẽ góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đẩy mạnh kết nối điểm đến nội khối và nâng cao sức cạnh tranh cho khu vực.
Theo Cục Du lịch quốc gia, Việt Nam đã xác định du lịch văn hóa là một trong những dòng sản phẩm quan trọng hàng đầu trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng như Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Du lịch văn hóa cũng là một trong 13 ngành công nghiệp văn hóa được xác định trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, trong đó, lễ hội là một trong những sản phẩm bổ trợ nổi bật và hấp dẫn, nâng cao trải nghiệm cho du khách đến Việt Nam.
ASEAN là một trong những khu vực phát triển du lịch năng động nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hầu hết các nước thành viên ASEAN đều chú trọng phát triển du lịch, coi du lịch là ngành quan trọng trong nền kinh tế.
Du lịch lễ hội đã góp phần vào sự tăng trưởng chung của khách du lịch đến các nước ASEAN. Theo Ban Thư ký ASEAN, năm 2019, khu vực ASEAN đã thu hút khoảng 143,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế (chiếm 9,6% tổng khách du lịch quốc tế trên toàn thế giới) với tốc độ tăng trưởng đạt 6,1%, cao hơn mức tăng trưởng chung của thế giới (4%).
Lễ hội chùa Hương (Hà Nội) hằng năm thu hút hàng vạn khách tham dự.
Để nâng cao hiệu quả trong hoạt động du lịch lễ hội, phát triển du lịch bền vững và phục hồi nhanh chóng sau đại dịch, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đề xuất khu vực Đông Nam Á cần thực hiện một số giải pháp phát triển du lịch lễ hội, như: Tiếp tục ban hành chính sách tạo thuận lợi hơn nữa về visa, cải cách thủ tục hải quan… nhằm thu hút khách quốc tế đến khu vực; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý về vai trò của du lịch lễ hội trong phát triển du lịch; bồi dưỡng, đào tạo hỗ trợ cộng đồng dân cư phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch lễ hội.
Bên cạnh đó, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đề xuất các nước cần thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm trong việc tổ chức lễ hội gắn với du lịch một cách hiệu quả; đẩy mạnh quảng bá sản phẩm du lịch lễ hội thông qua công nghệ số, triển khai chiến dịch marketing số để quảng bá du lịch ASEAN, đầu tư xây dựng các nội dung quảng bá du lịch lễ hội lên website du lịch ASEAN; liên kết tổ chức khảo sát tuyến điểm du lịch xây dựng sản phẩm du lịch lễ hội cho cả khu vực…
Tại hội thảo, đại biểu đến từ các tỉnh, thành và một số nước trong khu vực ASEAN đã thảo luận nhiều vấn đề về xu hướng phát triển du lịch lễ hội khu vực ASEAN; kiến nghị giải pháp và định hướng vai trò của các bên liên quan để quản lý và khai thác du lịch lễ hội hiệu quả, bảo đảm phát triển du lịch song hành với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa - di sản theo hướng bền vững.
Gửi phản hồi
In bài viết