Khảo sát tiềm năng du lịch làng làm hàng mã Phúc Am.
Theo đó, hai tuyến du lịch gồm: Trung tâm Hà Nội – Thanh Trì – Thường Tín – Phú Xuyên và tuyến Trung tâm Hà Nội – Thanh Oai - Ứng Hòa – Mỹ Đức.
Tuyến du lịch Trung tâm Hà Nội – Thanh Trì – Thường Tín – Phú Xuyên sẽ gồm nhiều điểm đến, trong đó điểm nhấn là làng Ngâu (huyện Thanh Trì), làng Phúc Am (huyện Thường Tín) và làng Cựu (huyện Phú Xuyên).
Làng Ngâu nổi tiếng với nghề nấu rượu, đình chùa Ngâu có kiến trúc đẹp. Ngoài thưởng lãm cảnh quan, di tích, khách còn được đến thăm các gia đình nấu rượu, đặc sản OCOP 4 sao rượu hoa cúc.
Làng Phúc Am là làng nghề mã nổi tiếng. Còn làng Cựu là làng cổ danh tiếng với hàng chục ngôi nhà cổ với kiến trúc châu Âu giữa làng quê mộc mạc, thanh bình.
Trong ngày 26-12, đoàn khảo sát của Sở Du lịch và các doanh nghiệp lữ hành đã tham quan, tìm hiểu đánh giá tiềm năng của tuyến du lịch này. Ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội cho biết, tuyến du lịch Thanh Trì – Thường Tín – Phú Xuyên kết nối dựa trên trục giao thông quốc lộ 1A, với 3 điểm chủ đạo là làng Ngâu, làng Phúc Am và làng Cựu. Việc kết nối tuyến du lịch liên vùng nhằm đa dạng sản phẩm du lịch liên kết các địa phương với nhau, tạo thêm sản phẩm du lịch mới và thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch ở từng địa phương.
“Đây là tuyến du lịch rất nhiều tiềm năng để các đơn vị lữ hành khai thác cho cả dòng khách nội địa và quốc tế muốn tìm hiểu văn hóa Hà Nội. Tuyến này không chỉ giúp nâng cao hình ảnh du lịch cả 3 địa phương mà còn là cơ sở để các địa phương đề xuất, tăng cường công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa địa phương; kích thích phát triển các dịch vụ, thúc đẩy phát triển hạ tầng chung của địa phương. Bên cạnh đó, phát triển du lịch liên tuyến còn thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa, bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái của các địa phương, giúp cho việc phân phối khách ở điểm đông khách sang các điểm có ít du khách”, ông Thắng phân tích.
Ngày 27-12, Sở Du lịch Hà Nội và các đơn vị lữ hành tiếp tục khảo sát tuyến du lịch: Trung tâm Hà Nội – Thanh Oai - Ứng Hòa – Mỹ Đức. Trong đó, đoàn khảo sát sẽ tập trung vào các điểm di sản và làng nghề, đó là: Đình Nội Bình Đà (huyện Thanh Oai), làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa), nghề tơ tằm, tơ sen (huyện Mỹ Đức).
Ở tuyến này, khách sẽ được tìm hiểu kiến trúc, giá trị văn hóa, lịch sử của ngôi đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân; làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu hiện đang là điểm đến thu hút đông du khách trong và ngoài nước; làng nghề tơ tằm, tơ sen Mỹ Đức. Đây là hai tuyến du lịch có nhiều lợi thế về cảnh quan sinh thái, di sản, làng nghề, làng cổ.
Sau khi khảo sát các tuyến điểm, các đơn vị lữ hành sẽ đánh giá tiềm năng du lịch, các cách khắc phục hạn chế còn tồn tại như giao thông, dịch vụ, hạ tầng tại các địa phương để tiến tới việc tạo thêm dòng sản phẩm hấp dẫn cho du khách.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, việc khảo sát, xây dựng hai tuyến du lịch này sẽ là cơ sở, tiền đề để từ đây các doanh nghiệp lữ hành tiếp tục hình thành thêm nhiều tour, tuyến du lịch khác kết nối các địa phương và các điểm du lịch để xây dựng sản phẩm mới, tăng trải nghiệm cho du khách. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, đây là hai tuyến du lịch mới được kỳ vọng sẽ mang đến “làn gió mới” cho hoạt động du lịch Thủ đô trong năm 2024.
Gửi phản hồi
In bài viết