Các quốc gia EU thông qua đạo luật mang tính bước ngoặt

Các quốc gia Liên minh Châu Âu (EU) ngày 28.6 đã thông qua đạo luật mang tính bước ngoặt về biến đổi khí hậu.


Cờ EU bên ngoài trụ sở Ủy ban Châu Âu ở Brussels, Bỉ. Ảnh: AFP

Reuters đưa tin, đạo luật được 26 bộ trưởng từ 27 quốc gia thành viên EU chính thức thông qua ngày 28.6, ngoại trừ Bulgaria vì nước này bỏ phiếu trắng.

Đạo luật nhằm biến các mục tiêu phát thải khí nhà kính của EU trở thành ràng buộc pháp lý trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách của khối chuẩn bị tung một gói chính sách mới khổng lồ để chống lại biến đổi khí hậu.

Tháng 4.2021, các nhà đàm phán từ Nghị viện và các nước thành viên EU đã đạt được thỏa thuận về luật khí hậu, trong đó đặt mục tiêu giảm 55% lượng khí thải ròng của EU vào năm 2030, từ mức của năm 1990 và loại bỏ hoàn toàn vào năm 2050.

Trước đó, vào tháng 12.2020, tất cả các quốc gia EU đã ký kết thực hiện mục tiêu cắt giảm khí thải năm 2030, nhằm đưa khối vào một lộ trình mà nếu được tuân thủ trên toàn cầu, sẽ tránh được những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Các mục tiêu được áp dụng cho tổng lượng phát thải của EU, chứ không ràng buộc đối với từng quốc gia.

Luật mới thông qua sẽ đặt vấn đề khí hậu vào trọng tâm của tất cả các hoạch định chính sách của EU, đảm bảo rằng các quy định trong tương lai đều hỗ trợ mục tiêu cắt giảm khí thải.

Làm được điều đó sẽ đòi hỏi một cuộc đại phẫu chính sách lớn. Hầu hết các luật của EU được thiết kế để đáp ứng mục tiêu trước đó là cắt giảm 40% lượng khí thải vào năm 2030.

Ủy ban Châu Âu sẽ bắt đầu nâng cấp theo mục tiêu của luật mới vào ngày 14.7 trong khi đề xuất một loạt chính sách để định hình lại ngành công nghiệp, năng lượng, giao thông và nhà ở để thải ra ít khí CO2 hơn. Các đề xuất sẽ bao gồm cải cách thị trường carbon của EU, tiêu chuẩn CO2 khắt khe hơn đối với ôtô sản xuất mới và các mục tiêu năng lượng tái tạo đầy tham vọng.

Luật khí hậu cũng đòi hỏi phải thành lập một cơ quan chuyên gia độc lập để tư vấn về các chính sách khí hậu và một cơ chế giống như ngân sách để tính toán tổng lượng khí thải mà EU có thể tạo ra từ năm 2030-2050, theo các mục tiêu khí hậu của mình.

Nghị viện Châu Âu đã thông qua luật vào tuần trước, đến tuần này nghị viện và các quốc gia thành viên sẽ ký văn bản như một thủ tục chính thức để luật bắt đầu có hiệu lực.

Theo Lao Động

Tin cùng chuyên mục