EU và WHO ra mắt công cụ đánh giá hiệu quả truy vết tiếp xúc

Theo thống kê, tính đến 6h ngày 29-6, toàn thế giới ghi nhận 182.165.012 ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2, trong đó có 3.944.623 ca tử vong.

Người dân xếp hàng để tiêm vắc xin ngừa Covid-19 ở thủ đô Jakarta, Indonesia.

Châu Âu

Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) và văn phòng khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phát triển một công cụ để đánh giá hiệu quả của các biện pháp truy vết tiếp xúc đối với sức khỏe cộng đồng. 

Theo giới chức WHO và ECDC, khung chỉ số mới cung cấp cho các nước cách tiếp cận tiêu chuẩn hóa để thu thập bằng chứng và đánh giá đóng góp mà công nghệ truy vết kỹ thuật số đã mang lại cho các nỗ lực truy vết tiếp xúc với Covid-19 ở quy mô lớn, từ đó tìm cách sử dụng công nghệ này một cách tốt nhất, đặc biệt là áp dụng cho các đại dịch có thể xảy đến trong tương lai.

Cùng ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, nước này sẽ không thực hiện biện pháp đóng cửa biên giới với các nước láng giềng châu Âu một lần nữa. Thủ tướng A.Merkel nhấn mạnh, biến chủng Delta vẫn đang lan rộng, cần sử dụng các phương tiện khác để ngăn chặn đại dịch, thay vì áp dụng quy định đóng cửa biên giới.  

Trong 24 giờ qua, hai điểm nóng dịch Covid-19 ở Nga là thành phố Mátxcơva và Saint Petersburg ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 cao nhất từ trước tới nay trong bối cảnh nước này đang đương đầu với làn sóng dịch thứ ba. Cụ thể, thủ đô Mátxcơva ghi nhận thêm 124 ca tử vong trong khi thành phố Saint Petersburg thêm 110 ca, vượt ngưỡng cao nhất mà cả hai thành phố này ghi nhận cuối tuần qua. 

Cũng trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận thêm 21.650 ca mắc mới, đưa tổng số ca bệnh ở nước này lên 5.472.941 ca. Các ca mắc biến chủng Delta trong 2 tuần qua tăng vọt buộc nhà chức trách phải công bố các biện pháp hạn chế chống dịch mới, có hiệu lực từ ngày 28-6 tại Mátxcơva. Theo đó, mọi cư dân thủ đô sẽ phải làm việc tại nhà, trừ những người đã được tiêm chủng.

Dịch bệnh bùng phát mạnh ở Nga khiến giới chức các nước lo ngại trong bối cảnh giải bóng đá EURO 2020 đang diễn ra, thu hút hàng nghìn người hâm mộ tới sân vận động theo dõi các trận đấu. Thành phố Saint Petersburg đã tổ chức 6 trận đấu và là địa điểm diễn ra một trong những trận tứ kết vào ngày 2-7 tới. 

Cùng ngày, Italia đã chính thức bỏ quy định đeo khẩu trang trên khắp cả nước, đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với quốc gia châu Âu đầu tiên phải hứng chịu đại dịch Covid-19 hồi tháng 2-2020. 

Tại Anh, ngày 28-6, Thủ tướng Boris Johnson khẳng định, nước này có thể dỡ bỏ hầu hết các hạn chế phòng, chống Covid-19 theo đúng kế hoạch vào ngày 19-7 tới. 

Tuy nhiên, Chính phủ Bồ Đào Nha cho biết, kể từ ngày 28-6, hành khách từ Anh đến nước này sẽ phải cách ly trong vòng 14 ngày, nếu trước đó họ chưa được tiêm đủ liều vắc xin ngừa Covid-19. Quyết định trên sẽ được áp dụng cho đến ít nhất là ngày 11-7 tới. Tương tự, Tây Ban Nha cũng sẽ yêu cầu du khách Anh phải xuất trình giấy xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2 hoặc chứng nhận đã tiêm chủng ngừa Covid-19 đủ liều, nếu họ muốn du lịch tới Mallorca, Ibiza và các vùng lân cận quần đảo Balearic.

Châu Á

Với 20.694 ca mắc và 423 ca tử vong trong ngày 28-6, Indonesia vẫn đứng đầu khu vực Đông Nam Á về số ca mắc và tử vong hằng ngày. Về diễn biến tiêm chủng, Cơ quan Giám sát thực phẩm và dược phẩm nước này (BPOM) đã khuyến nghị sử dụng vắc xin ngừa Covid-19 của công ty công nghệ sinh học Sinovac (Trung Quốc) cho trẻ em từ 12-17 tuổi.

Số ca mắc mới và tử vong vì Covid-19 trong thời gian gần đây tại Campuchia không có dấu hiệu giảm đi, thậm chí còn đang tiến sát tới ngưỡng cao 900 ca một ngày, với ngày càng nhiều ca lây nhiễm ngoài thủ đô Phnom Penh và các ca nhập cảnh.

Tại Lào, sau nhiều ngày tình hình dịch giảm nhẹ, ngày 28-6, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng đột biến với 26 ca mới. Bộ Y tế Lào cho biết, số ca mới tăng đột biến cho thấy vẫn còn nguy cơ dịch bùng phát trong cộng đồng. 

Trong bối cảnh vắc xin đang chứng tỏ là một trong những "vũ khí" hữu hiệu chống lại Covid-19, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi kêu gọi người dân nước này tin tưởng vào hiệu quả của vắc xin, đi tiêm chủng nhằm góp phần vào nỗ lực chung phòng, chống đại dịch trong nước. Thống kê cho thấy, Ấn Độ đã vượt Mỹ về tổng số liều vắc xin ngừa Covid-19 tiêm cho người dân cho đến nay. Cùng với tốc độ tiêm chủng gia tăng, Ấn Độ đã ghi nhận một tín hiệu đáng mừng trong ngày 28-6 khi lần đầu tiên số người tử vong theo ngày tại nước này giảm xuống dưới mốc 1.000 ca sau gần hai tháng rưỡi. Số ca tử vong trong ngày 28-6 là 979 ca, trong khi số ca mắc mới là 46.148 ca.

Châu Mỹ

Liên quan đến nỗ lực phục hồi sau đại dịch, chính quyền đảo Guam, vùng lãnh thổ thuộc Mỹ nằm trên Thái Bình Dương, đang lên kế hoạch giới thiệu với du khách mô hình "nghỉ dưỡng vắc xin". Được đặt tên là "Air V&V", chương trình nghỉ dưỡng kết hợp tiêm chủng ngừa Covid-19 của đảo Guam dành cho người dân trên toàn thế giới, đặc biệt là những người Mỹ sống tại châu Á - Thái Bình Dương.

Theo các quy định về y tế, khi đến Guam, khách du lịch sẽ phải trải qua giai đoạn cách ly 7 ngày tại một cơ sở tự chi trả. Nếu có kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2 trong ngày thứ 6 của thời gian cách ly này, họ sẽ được phép thoải mái tận hưởng kỳ nghỉ một cách không hạn chế kể từ ngày thứ 7 trở đi. Người tham gia chương trình có thể chọn sử dụng giữa các loại vắc xin của Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục