Đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội kiểm tra nguyên liệu sản xuất bánh trung thu tại một khách sạn trên địa bàn quận Ba Đình. Ảnh: Thu Trang
7 nguyên nhân khiến bánh bị mốc, hỏng
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, có 7 nguyên nhân khiến bánh trung thu dễ bị mốc, hỏng.
Cụ thể là các thành phần như: Bột mì, trứng, thịt, gia vị, các loại hạt... qua quá trình chế biến không bảo đảm vệ sinh; nguyên liệu được chọn làm bánh không được tươi ngon; các dụng cụ làm bánh không sạch sẽ; bao bì đóng gói không kỹ lưỡng, bị rách hoặc dập nát; bánh quá nhạt, không bảo đảm đủ lượng đường; cho quá nhiều dầu ăn vào bánh và bảo quản không đúng cách.
Người tiêu dùng chỉ nên chọn mua bánh ở những cửa hàng có nguồn gốc rõ ràng, các thương hiệu uy tín, được cấp phép, tuyệt đối không mua các loại bánh có giá rẻ bất thường.
Bên cạnh việc chọn mua loại bánh ưng ý, đúng sở thích và bảo đảm chất lượng, việc bảo quản bánh đúng cách cũng là yếu tố quan trọng. Đối với bánh mua sẵn sẽ chứa một lượng chất bảo quản ở hàm lượng cho phép nên có thời hạn sử dụng lâu hơn, khoảng từ 2 đến 3 tháng ở nhiệt độ thường.
Còn loại bánh trung thu handmade (tự làm) do không sử dụng chất bảo quản nên thời gian sử dụng thường ngắn hơn, tối đa là khoảng 7 ngày, tùy theo từng loại bánh. Ngoài ra, bánh nướng có khả năng được bảo quản lâu dài bởi đã được nướng, có độ ngọt cao, có chất béo. Còn bánh dẻo thường có thời gian sử dụng ngắn hơn bánh nướng, chỉ khoảng 3-4 ngày và nên bảo quản trong tủ lạnh.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, hiện nay, các loại bánh trung thu trên thị trường rất đa dạng và mỗi loại sẽ có những cách bảo quản để bánh không bị ẩm mốc, hư hỏng.
Người tiêu dùng nên lưu ý, với mỗi chiếc bánh trung thu mua sẵn đều có chứa một túi hút ẩm. Không nên lấy túi này ra vì bánh sẽ nhanh bị mốc hơn. Bánh trung thu sẽ được kéo dài thời gian sử dụng từ 7 đến 15 ngày khi được bảo quản trong ngăn mát. Khi lấy ra sử dụng nên cho vào lò vi sóng một vài phút để bánh không bị khô cứng. Để hiệu quả bảo quản bánh được tốt nhất, cần bọc kín bánh trung thu trước khi cho vào tủ lạnh bảo quản được tối đa 7 ngày trong ngăn mát hoặc có thể cho vào hộp đựng thực phẩm hay bọc kín trong túi ni lông đựng thực phẩm để được đến 1 tháng khi đặt trong ngăn đá. Khi dùng chỉ cần nướng lại bánh.
Để bảo đảm an toàn cho sức khỏe, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh lưu ý, khi đã bóc bánh ra ăn nên sử dụng hết hoặc lâu nhất là 1 ngày sau. Dấu hiệu nhận biết bánh bị mốc, hỏng, đó là quan sát bằng mắt thường dễ dàng nhận thấy, bánh bị biến dạng, bị méo hoặc phình to ra, không còn như hình dạng ban đầu. Bánh bị chảy nước và có mùi bất thường, không thơm như ban đầu. Bánh xuất hiện nấm mốc bên ngoài. Ăn bánh trung thu bị hỏng có thể gây rối loạn tiêu hóa, thậm chí là ngộ độc.
Những ai nên hạn chế ăn bánh trung thu?
Ngoài các vấn đề về bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo quản bánh trung thu, theo chuyên gia dinh dưỡng, có những đối tượng nên hạn chế sử dụng bánh trung thu để bảo đảm an toàn cho sức khỏe. Bởi vì khi ăn bánh trung thu nếu không chú ý kiểm soát tổng năng lượng trong ngày dễ dẫn đến tăng cân, rối loạn đường huyết...
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến (Viện Dinh dưỡng quốc gia) thông tin, 1 chiếc bánh dẻo nhân thập cẩm 170 gram cung cấp 566 Kcal, 16,3 gram đạm, 6,6 gram lipid, 110,2 gram glucid; 1 bánh dẻo 1 trứng đậu xanh 176 gram cung cấp 648 Kcal (năng lượng gấp 2-2,5 lần bát phở bò). Còn 1 bánh nướng 176 gram thập cẩm cung cấp 706 Kcal, 18 gram đạm, 31,5 gram lipid và 87,5 gram glucid; 1 chiếc bánh nướng 1 trứng đậu xanh176 gram cung cấp 648 Kcal, 19,5 gram protid, 27,5 gram lipid, 80,6 gram glucid. Lượng bột đường của một chiếc bánh dẻo hoặc một chiếc bánh nướng bằng 2-3 bát cơm (một bát cơm 258 gram).
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến cho rằng, bánh trung thu rất ngọt và béo ngậy, do đó cung cấp nhiều năng lượng. Năng lượng từ đường và chất béo là một mối nguy cơ lớn đối với trẻ thừa cân, béo phì và những người mắc bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng như: Tiểu đường, tim mạch, huyết áp.
Thậm chí, ngay cả khi sử dụng bánh trung thu không đường, hoặc bánh dành cho người ăn kiêng mà ăn quá nhiều cũng sẽ không tốt cho sức khỏe. Bởi vì bản chất của bánh trung thu vẫn sử dụng nhiều tinh bột, trong khi tinh bột có chỉ số đường huyết cao. “Người tiểu đường, người thừa cân, béo phì chỉ nên ăn một miếng rất nhỏ, không nên ăn thường xuyên”, vị chuyên gia này khuyến cáo.
Các chuyên gia cho rằng, khi ăn bánh trung thu, người tiêu dùng nên cắt nhỏ bánh, ăn góc 1/8 của bánh hoặc nhiều nhất là góc 1/4 và nên ăn vào buổi sáng hoặc chiều vì sau đó quá trình vận động sẽ làm tiêu hao năng lượng.
Khi đã ăn bánh trung thu, người tiêu dùng nên giảm các thực phẩm khác, đặc biệt là các thực phẩm nhiều năng lượng như: Cơm, bánh mì, bún, phở... Ngoài ra, khi ăn các loại bánh có nhân thập cẩm nên loại bỏ mỡ. Bởi vì ăn bánh càng có nhiều mỡ thì tổng năng lượng nạp vào cơ thể sẽ tăng lên.
Mặt khác, không ăn bánh trung thu cùng trà đặc, cà phê và nước có gas vì năng lượng, chất đường trong bánh sẽ tích tụ thành chất béo và gây tăng cân, không tốt cho huyết áp, tim mạch... Đặc biệt, sau khi ăn bánh trung thu, người tiêu dùng nên tăng cường vận động như: Đi bộ, đạp xe… hoặc làm việc nhà để giảm bớt lượng calo nạp vào.
Gửi phản hồi
In bài viết