Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ sản xuất Nông nghiệp Sử Anh, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) được cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế (ISO 22000-2018). Anh Nguyễn Công Sử, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất Nông nghiệp Sử Anh cho biết, trước đây sản xuất chè kiểu truyền thống, chưa chú ý đến quy trình sạch, chỉ quan tâm đến sản lượng nhiều hay ít nên hiệu quả kinh tế thấp. Từ ngày trồng chè đặc sản và áp dụng quy trình VietGAP, các loại chè như Ngọc Thúy, Phú Lâm có giá trung bình là 400.000 - 800.000 đồng/kg chè khô. Với hơn 60 ha vùng nguyên liệu, mỗi năm HTX cung ứng trên 20 tấn chè khô ra thị trường.
Anh Nguyễn Tiến Dũng, thôn Làng Ngòi, xã Mỹ Bằng, thành viên liên kết HTX Dịch vụ sản xuất Nông nghiệp Sử Anh cho biết, khi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, anh phải tuân thủ khắt khe quy trình như chăm sóc, sử dụng phân thuốc trong danh mục cho phép, đảm bảo thời gian cách ly an toàn trước khi thu hoạch. Điều này có thể gây khó khăn cho nông dân, nhưng anh và các thành viên phải cố gắng vì bù lại, sản phẩm bán ra thị trường với giá cao.
HTX dịch vụ sản xuất, chế biến nông lâm nghiệp Hợp Hòa (Sơn Dương) đầu tư vùng trồng cà gai leo đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 3.000 ha cây trồng được áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn VietGAP, VietGAHP, hữu cơ…; 10 cơ sở nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGAP, 5 cơ sở áp dụng tiêu chuẩn chất lượng vào sản xuất, kinh doanh và đã được cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế, 191 sản phẩm đạt theo bộ tiêu chí sản phẩm thuộc Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Các địa phương đã xây dựng và phát triển được 28 mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn.
Bên cạnh các kết quả đã đạt được, ngành nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản trong tỉnh vẫn còn những hạn chế. Hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn theo chuỗi giá trị chưa nhiều; sản phẩm nông, lâm, thủy sản sản xuất ra để tiêu thụ phần lớn vẫn là nguyên liệu thô, tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh được chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế chưa cao. Nông sản của tỉnh còn hạn chế về tính ổn định chất lượng và sản lượng nên việc tiếp cận thị trường, phát triển thị trường còn hạn chế. Tỷ trọng sản phẩm được kiểm soát chất lượng, ATTP tại từng công đoạn và trong toàn chuỗi cung ứng theo tiêu chuẩn quốc tế cũng chưa cao…
Tỉnh Tuyên Quang đặt mục tiêu đến hết năm 2023, 90% các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản được đánh giá xếp loại A, B; 85% các cơ sở nhỏ lẻ được ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn, tỷ lệ mẫu thực phẩm nông, lâm, thủy sản được giám sát vi phạm các quy định về ATTP giảm 10% so với năm 2022; diện tích về trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận hữu cơ, VietGAP hoặc tương đương tăng 10% so với năm 2022; tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản được chứng nhận HACCP, ISO 22000 hoặc tương đương tăng 10% so với năm 2022...
Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất Nông nghiệp Sử Anh sản xuất chè đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Đồng chí Nguyễn Văn Thuấn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, để cải thiện chất lượng nông lâm thủy sản, Chi cục đã phối hợp các cơ quan, đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, kiểm tra, giám sát chất lượng ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Các địa phương vận động, hướng dẫn người dân chuyển đổi sang sản xuất tập trung, liên kết sản xuất theo hình thức tổ nhóm, HTX nhằm tăng cường năng lực và hiệu quả sản xuất, kiểm soát chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Đồng thời, tiếp tục phối hợp tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản; thẩm định đánh giá, xếp loại các cơ sở chế biến, kinh doanh định kỳ, kiểm tra hậu kiểm các cơ sở tự công bố sản phẩm, xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục hoàn thiện những chính sách tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn. Qua đó, góp phần tạo bước chuyển tích cực trong công tác bảo đảm ATTP trong nông nghiệp, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của các sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết