Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội chiều 20/3. (Ảnh: DUY LINH)
Chiều 20/3, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về các giải pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết vụ án hình sự; tăng cường chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại tòa; tăng cường rà soát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền…
Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực nhạy cảm, dễ tham nhũng, tiêu cực
Đại biểu biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) đặt vấn đề, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần chỉ đạo phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế và phòng, chống tham nhũng, kịp thời khắc phục những bất cập để không thể tham nhũng. Qua giải quyết các vụ án tham nhũng lớn, đại biểu đề nghị Viện trưởng cho biết đã có những chỉ đạo và có những biện pháp như nào để thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?
Trả lời chất vấn, Viện trưởng Lê Minh Trí cho rằng cần hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế và điều hành quản lý xã hội để hạn chế tham nhũng, tiêu cực. Theo đó, cần tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý xã hội, quản lý nhà nước, nhất là lĩnh vực nhạy cảm, dễ tham nhũng, tiêu cực, bởi có công khai, minh bạch thì sẽ kiểm soát được.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định đặt câu hỏi chất vấn Viện trưởng Lê Minh Trí. (Ảnh: DUY LINH)
Viện trưởng cũng nêu hạn chế trong hệ thống tư pháp có nhiều nguyên nhân, như văn bản hướng dẫn và giải thích luật chưa đáp ứng kịp thời; người thực hiện quy định pháp luật còn nhận thức khác nhau; cơ quan tư pháp khi thực hiện chức năng nhiệm vụ thì nhận thức khác.
Lấy thí dụ vấn đề đấu giá đất, Viện trưởng nêu rõ, cùng một nội dung, nhưng Luật Đất đai yêu cầu phải đấu giá, còn Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản thì không.
Qua hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế vừa qua, Viện trưởng Lê Minh Trí cho rằng, cần bịt các lỗ hổng trong quy định đã bị lợi dụng, đồng thời có lộ trình hạn chế sử dụng tiền mặt trong đời sống xã hội, bắt buộc các quan hệ kinh tế thanh toán qua hệ thống ngân hàng để kiểm soát.
“Chính việc sử dụng tiền mặt phổ biến hiện nay với các hoạt động, quan hệ kinh tế, thanh toán không qua ngân hàng là bất cập, dẫn đến tham nhũng, tiêu cực”, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhận xét.
Viện trưởng Lê Minh Trí đề nghị tăng cường trách nhiệm, hiệu lực quản lý nhà nước, nhất là trong các lĩnh vực nhạy cảm, dễ tham nhũng, tiêu cực; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán để phát hiện, ngăn chặn kịp thời, chuyển hồ sơ những trường hợp có dấu hiệu tội phạm cho cơ quan chức năng để xử lý theo pháp luật.
Nghiêm trị tham nhũng, nhưng cần nhân văn với người rủi ro để ổn định, phát triển
Nội dung thứ hai được đại biểu Mai Thị Phương Hoa đề cập là, thời gian qua, có một số cán bộ trong quá trình thực thi nhiệm vụ, bên cạnh những việc làm được có tính đột phá và không có yếu tố vụ lợi, thì có những việc làm còn sai sót, thậm chí vi phạm pháp luật.
Đại biểu đề nghị Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết quan điểm và các giải pháp để vừa thực hiện tốt nhiệm vụ, không bỏ lọt tội phạm, xử lý nghiêm tội phạm tham nhũng, đồng thời bảo đảm thực hiện đúng chủ trương của Đảng về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: DUY LINH)
Trả lời đại biểu, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nêu rõ, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung là vấn đề đã khiến ông trăn trở suy nghĩ và cũng từng phát biểu một số lần ở các hội nghị khác nhau.
“Tôi và ngành kiểm sát xác định tiếp tục quyết tâm cao trong thực hiện chủ trương của Đảng về đấu tranh hiệu quả với tham nhũng, tiêu cực. Việc này là để bảo vệ chế độ, thực hiện lòng tin của người dân với Đảng thì phải làm tốt”, Viện trưởng Lê Minh Trí nhấn mạnh.
Viện trưởng nêu quan điểm là phải xử lý nghiêm đối tượng cầm đầu, đối tượng chủ mưu, vụ lợi chiếm đoạt gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, càng xử lý nghiêm khắc càng răn đe giáo dục tốt.
Tuy nhiên, thực tiễn vụ án và vận dụng pháp luật hiện nay, có những trường hợp thực hiện theo mệnh lệnh cấp trên, hoặc cấp trên gợi ý, nhưng cấp dưới phải chấp hành, hoặc do cấp dưới tham mưu không chính xác, không đầy đủ, nhưng đó là sự rủi ro. Hoặc có yếu tố rủi ro, bất cập ngoài dự kiến, bất khả kháng, thì khi họ chủ động khắc phục hậu quả, thấy sai mà sửa, hợp tác với cơ quan điều tra làm rõ vụ án thì việc áp dụng miễn, giảm, tha theo luật hiện hành là vướng.
Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, luật hiện hành quy định “khi tính chất gây hậu quả không đáng kể” thì được giảm trách nhiệm hình sự, nhưng quy định này không định lượng nên rất khó áp dụng. Hay Bộ luật Hình sự cũng có điều khoản miễn trách nhiệm hình sự có điều kiện.
Nhưng theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, trong giai đoạn đất nước phát triển hiện nay, lỗi do vô ý hoặc do khối lượng công việc lớn kiểm soát không được, không chủ đích chiếm đoạt, vụ lợi thì nên rà soát sửa lại các điều luật cụ thể có thể dẫn đến chuyện hậu quả không lớn vẫn bị xử lý hình sự, nếu không xử lý thì vi phạm pháp luật.
“Chế tài khung hình phạt tù nên giảm và tăng phạt tiền để bảo đảm vừa xử lý nghiêm chủ mưu, cầm đầu chiếm đoạt vụ lợi, vừa nhân văn với người có rủi ro. Tôi đề nghị có đối tượng thì phải xử nghiêm để răn đe giáo dục, nhưng cũng có cái phải nhân văn để phát huy sự năng động sáng tạo của cán bộ để ổn định, phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay”, Viện trưởng nêu quan điểm.
Gửi phản hồi
In bài viết