Sản phẩm hóa chất diệt côn trùng nhãn hiệu Vẹt xanh, được sản xuất, phân phối độc quyền bởi Công ty Phúc Thịnh, Khu công nghiệp Đức Hóa (Long An), có số hiệu đăng ký 111.17/GCN - Cục quản lý Môi trường Y tế. Tuy nhiên, hình ảnh quảng cáo trên bao bì sản phẩm khó có thể phân biệt được là hóa chất diệt côn trùng hay thuốc bảo vệ thực vật, bởi có thể trừ bọ xít muỗi, bọ xít xanh, bọ cánh tơ, ruồi vàng... Phải chăng chính vì thế mà hóa chất nhãn hiệu Vẹt xanh đã được sử dụng để phòng trừ các loại sâu, bệnh hại cây trồng, đặc biệt là trên cây ăn quả.
Thanh tra Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực tỉnh kiểm tra tất cả các cơ sở kinh doanh, buôn bán vật tư, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh.
Theo lời giới thiệu của anh N.N.D, chủ cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn huyện Yên Sơn, ngoài diệt côn trùng trong nhà như kiến, ruồi, muỗi, rán..., hóa chất nhãn hiệu Vẹt xanh có khả năng đặc trị các loại sinh vật gây hại trên cây trồng là bọ xít muỗi, ruồi vàng... Hiệu quả diệt trừ nhiều đối tượng gây hại nên hóa chất nhãn hiệu Vẹt xanh được nhiều nhà vườn trồng cây ăn quả, đặc biệt là cây có múi sử dụng.
Cũng như hóa chất nhãn hiệu Vẹt xanh, một số dòng thuốc diệt muỗi như Tia chớp 100EC của Công ty cổ phần KAHUMATE Việt Nam, sản phẩm Mogood 10 EC của Công ty cổ phần BMC Việt Nam... vốn chỉ được sử dụng trong gia dụng, y tế cũng được bà con “vô tư” phòng trừ sâu bệnh hại trên cây trồng.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, sử dụng hóa chất diệt côn trùng y tế sang sản xuất nông nghiệp gây ra rất nhiều nguy cơ, hệ lụy. Bởi các sản phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn trong lĩnh vực gia dụng y tế không phải là thuốc bảo vệ thực vật nên không có tác dụng để phòng trừ các sinh vật gây hại trong nông nghiệp, không đáp ứng được các quy định và nguyên tắc về thuốc bảo vệ thực vật như đúng thuốc, đúng phạm vi đăng ký, đúng liều lượng… dẫn tới sử dụng không hiệu quả, có nguy cơ cao để lại dư lượng trong sản phẩm.
Đặc biệt, có những hoạt chất có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường sinh thái và có thể gây nên tình trạng kháng thuốc, nhờn thuốc đối với sinh vật gây hại cần phòng trừ. Ngoài ra, tình trạng này cũng làm tăng chi phí trong quá trình sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến chất lượng cũng như giá trị sản phẩm nông sản, nhất là ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác xuất nhập khẩu nông sản.
Hóa chất diệt côn trùng nhãn hiệu Vẹt xanh của Công ty Phúc Thịnh, Khu công nghiệp Đức Hóa,
huyện Đức Hòa (Long An) vẫn chưa được thu hồi.
Chấn chỉnh tình trạng kinh doanh, sử dụng hóa chất y tế trong sản xuất nông nghiệp, ngày 2-3-2023, UBND tỉnh có Văn bản số 716/UBND-KT về việc sử dụng chế phẩm diệt côn trùng y tế trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường Tuyên Quang, UBND huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị tổ chức kiểm tra chặt chẽ các trường hợp buôn bán và sử dụng chế phẩm diệt côn trùng y tế trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.
Đồng chí Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có kế hoạch phối hợp các cơ quan có liên quan, UBND huyện, thành phố tổ chức thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, buôn bán các loại thuốc bảo vệ thực vật. Sở cũng sẽ thực hiện thanh, kiểm tra tổng thể các cơ sở sản xuất, buôn bán chế phẩm diệt côn trùng và thuốc bảo vệ thực vật, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc sản xuất, kinh doanh, buôn bán, sử dụng không đúng quy định. Cùng với đó, sở cũng sẽ tổ chức các lớp tập huấn nâng cao hiểu biết cho người buôn bán và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tránh nhầm lẫn với các loại chế phẩm khác; nêu rõ các hành vi sử dụng thuốc diệt côn trùng lĩnh vực y tế để phòng trừ các sinh vật gây hại thực vật trên đồng ruộng khi chưa được đăng ký trong lĩnh vực bảo vệ thực vật là hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an toàn thực phẩm và nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, môi trường... Vì một nền sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững, ngoài nỗ lực của ngành, các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, bà con nông dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm kinh doanh, chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.
Gửi phản hồi
In bài viết