Cần cụ thể các quy định về hợp đồng giao dịch

Luật sư Đàm Quốc Cường
Giám đốc Công ty Luật TNHH Một thành viên Quốc Cường

Để khắc phục một số lỗ hổng liên quan đến chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn, tôi cho rằng dự thảo Luật Đất đai 2023 cần hoàn thiện các quy định về hợp đồng giao dịch. Hiện dự thảo Luật đã có quy định nhưng chưa cụ thể và vẫn còn mâu thuẫn với các luật khác. Theo quy định của Luật Công chứng năm 2014 và dự thảo Luật Đất đai 2023 vẫn còn một số điểm mâu thuẫn về việc công chứng hợp đồng và thời điểm phát sinh hiệu lực của hợp đồng, tiềm ẩn nhiều rủi ro phát sinh tranh chấp liên quan đến việc chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất giữa các bên tham gia giao dịch.

Do đó, để Luật được chặt chẽ, thống nhất, tôi kiến nghị bổ sung điểm a, khoản 3, Điều 28 dự thảo Luật Đất đai sửa đổi 2023 như sau: Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này. Việc công chứng, chứng thực chưa làm phát sinh hiệu lực hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký biến động”.


Quy định cụ thể hơn về thủ tục hành chính

Ông Cao Xuân Chiến
Giám đốc Công ty cổ phần An Lộc Phát Holdings, phường Phan Thiết, TP Tuyên Quang
 

Trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có bổ sung các quy định về cải cách thủ tục hành chính về đất đai tại khoản 1 Điều 214 được thực hiện bằng hình thức trực tiếp hoặc trên môi trường điện tử và có giá trị pháp lý như nhau. Đây thực sự là điểm mới trong cải cách thủ tục hành chính. Là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này, tôi hoàn toàn tán thành quy định nêu trên. Tuy nhiên theo tôi trong dự thảo có một số điều cần bỏ cụm từ “hộ khẩu thường trú” vì theo Luật Cư trú 2020 đã bỏ cụm từ này, điều này vừa không thống nhất với quy định pháp luật hiện hành, vừa không phù hợp với thực tiễn. Ngoài ra, cần cụ thể quy định “được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng” vào cuối khoản 1, Điều 162 cho đầy đủ, phù hợp với bản chất của dịch vụ công trực tuyến.

Tin cùng chuyên mục