Làm rõ nghĩa từ ngữ trong quy định chính sách bồi thường

Bà Trần Thị Thanh Thủy
Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Sơn

Liên quan đến chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, khoản 6, Điều 107 dự thảo Luật Đất đai quy định, trường hợp người có đất ở thu hồi, nhà ở chung cư bị thu hồi được bố trí tái định cư mà tiền bồi thường về đất ở, nhà ở không đủ để mua một suất tái định cư tối thiểu thì được Nhà nước hỗ trợ “tiền đủ” để mua một suất tái định cư tối thiểu.

Từ ngữ này rất khó hiểu, sẽ gây khó khăn trong quá trình thực hiện vì không rõ bao nhiêu là đủ. Do vậy, tôi đề nghị làm rõ nghĩa từ ngữ trong quy định chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người bị thu hồi đất. Bên cạnh đó, dự thảo luật cần quy định cụ thể trình tự thủ tục thực hiện thu hồi lại đất khi hết hạn hợp đồng thuê đất hoặc trường hợp trả lại đất khi không có nhu cầu sử dụng đất liên quan đến đất đai, tài sản trên đất cho thuê.


Phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai

Ông Hà Văn Dương
Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hàm Yên

Luật Đất đai 2013 đã tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên đất đai. Thực tế, tại huyện Hàm Yên, đất đai được đánh giá là yếu tố hàng đầu, quyết định đến sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện. Mặc dù vậy, một số quy định trong Luật Đất đai 2013 đã không còn phù hợp hoặc thiếu so với thực tiễn hiện nay. Ví dụ như các quy định về quản lý, sử dụng tài nguyên đất, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất...
 Khắc phục những hạn chế trên, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi 2023 lần này đã bổ sung, quy định nhiều điều, khoản, đặc biệt quy định rất rõ việc quản lý, sử dụng đối với từng loại đất, bỏ khung giá đất... Tôi hy vọng Luật Đất đai sửa đổi sẽ sớm được thông qua, nhanh chóng đi vào cuộc sống, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng.
 

Tin cùng chuyên mục