Sáng 23/9, Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2022 (AI4VN ) với chủ đề: “Phục hồi kinh tế, định hình tương lai” khai mạc tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và phát biểu ý kiến.
Tham dự sự kiện còn có đại diện các Bộ, ban, ngành, các hiệp hội, viện nghiên cứu, trường đại học, các start-up, các tập đoàn, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, các chuyên gia và nhà đầu tư trong nước và quốc tế cùng đông đảo cộng đồng người yêu công nghệ nói chung và cộng đồng AI Việt Nam nói riêng.
Phát biểu khai mạc Ngày hội, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, AI đã có sự phát triển vượt bậc và trở thành một trong những công nghệ then chốt góp phần thay đổi và thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế-xã hội của các quốc gia.
Sau hơn một năm triển khai Chiến lược trí tuệ nhân tạo, Việt Nam đã đạt một số kết quả đáng khích lệ. Đóng góp của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực AI trong những năm qua đã được xã hội và thế giới ghi nhận. Nhu cầu ngày và năng lực tiếp cận, hấp thụ, làm chủ công nghệ AI của các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng được cải thiện và nâng cao.
Báo cáo "Chỉ số sẵn sàng về AI của Chính phủ" do tổ chức Oxford Insights kết hợp với Trung tâm nghiên cứu phát triển quốc tế của Canada thực hiện, ghi nhận năm 2021 Việt Nam đứng ở vị trí thứ 62 trong 160 quốc gia được đánh giá xếp hạng trên thế giới, tăng 14 bậc so với năm 2020.
Trong bối cảnh đó, Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam được tổ chức nhằm thúc đẩy nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng AI, góp phần giải quyết những vấn đề thách thức trong phát triển kinh tế-xã hội, giúp các doanh nghiệp Việt ứng dụng công nghệ mới, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây là cơ hội trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, đưa ra sáng kiến, kiến nghị để xây dựng và phát triển cộng đồng và hệ sinh thái AI, từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI trong khu vực và trên thế giới.
Phát biểu ý kiến tại sự kiện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, năm nay, có rất nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ AI, không chỉ từ những doanh nghiệp lớn, uy tín mà còn cả các doanh nghiệp nhỏ cùng tham gia. Điều đó cho thấy công nghệ sẽ thay đổi nhiều cho cuộc sống.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam cần nỗ lực nhiều trong quá trình ứng dụng AI vào cuộc sống bởi nguồn nhân lực còn thiếu, việc đào tạo chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của các công ty công nghệ trong nước và nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên, đây không phải là công việc bất khả thi mà chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào tương lai.
Phó Thủ tướng nhận thấy, khi nói về AI, những bạn trẻ đi du học hay làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin đều dễ dàng hiểu nhưng không phải tất cả người Việt Nam đều hiểu về công nghệ này. Do đó, cần lan tỏa khái niệm, sự hiểu biết về AI, không chỉ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, khoa học, công nghệ, công nghiệp... mà còn nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác.
Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam đang có cái nhìn thực tiễn, đi theo xu thế của thế giới và khoa học nhưng cần tự tin hơn. Việt Nam cần đào tạo nguồn nhân lực AI mở rộng, nghĩa là không chỉ dành cho những nhân tài, người giỏi, người làm trong lĩnh vực AI, công nghệ thông tin... mà dành cho tất cả mọi người, ở mọi lĩnh vực khác.
"Trước đây, chúng ta nói về xóa mù về công nghệ thông tin thì giờ là xóa mù về AI", Phó Thủ tướng khẳng định. Phó Thủ tướng mong muốn đưa AI vào trong trường học để từ các em nhỏ đều có thể tiếp cận sớm.
Phó Thủ tướng cho biết, về cơ sở dữ liệu, Chính phủ có nhiều đề án, nhưng đang triển khai quyết liệt Đề án 06, từng bước xây dựng kết nối cơ sở dữ liệu nhiều tầng lớp, liên quan từng người, gắn với bảo đảm quyền riêng tư của cá nhân. Chúng ta cũng cần gắn kết thêm dữ liệu ở nhiều lĩnh vực khác nhau để phục vụ mục đích chung. Dữ liệu là vô cùng quan trọng, trong quá trình nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng AI, do đó cần chú ý tới các quy định, định hướng ngay từ ban đầu về dữ liệu.
Tại Ngày hội, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia trong nước và nước ngoài chia sẻ các góc nhìn khác nhau về AI cũng như những thuận lợi, thách thức của lĩnh vực này.
Gửi phản hồi
In bài viết