Đề xuất áp dụng chung một mức thuế giảm giá trị gia tăng cho tất cả các hàng hóa dịch vụ
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau phát biểu. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Chiều 20/11, góp ý về đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng tại phiên họp của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) bày tỏ thống nhất với đề xuất của Chính phủ cho tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng.
Theo đại biểu, dự báo thương mại toàn cầu tiếp tục khó khăn do biến động địa chính trị và nguy cơ chi phối kinh tế. Từ đó, tăng trưởng kinh tế của nước ta năm 2024 phụ thuộc nhiều vào tiêu dùng trong nước, trong khi đó thuế giá trị gia tăng tác động trực tiếp đến giảm giá bán sản phẩm hàng hóa dịch vụ và nhu cầu tiêu dùng.
Tổng cầu tiêu dùng trong nước vẫn duy trì mức tăng trên dưới 10% năm 2023 bất chấp tác động tiêu cực từ thu nhập, việc làm và niềm tin tiêu dùng, chứng tỏ việc giảm thuế giá trị gia tăng đã phát huy giá trị và cần thiết được tiếp nối trong năm 2024.
Hơn nữa, đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với các nhóm hàng hóa dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10% còn 8% là phù hợp với thực tiễn áp dụng năm 2022 và 2023.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Duy Thanh đề nghị cần cân nhắc áp dụng chung một mức thuế giảm giá trị gia tăng cho tất cả các hàng hóa dịch vụ có mối quan hệ khăng khít với nhau. Việc phân biệt đối tượng giảm giá trị gia tăng làm ảnh hưởng các quan hệ kinh tế, tạo ra bất bình đẳng trong thị trường.
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh cũng đề nghị Quốc hội xem xét cho tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng cho cả năm 2024, cho rằng đây là giải pháp khả thi và hiệu quả trong chính sách hỗ trợ áp dụng trong vài năm gần đây.
Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng phát biểu. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Thống nhất cao với việc giảm thuế giá trị gia tăng, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho biết, sau một thời gian tương đối dài (từ năm 2020-2022), đất nước ta chịu áp lực chống chọi với đại dịch Covid-19 và tình hình bất lợi, phức tạp của thế giới.
Nhìn chung doanh nghiệp trong nước trong quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh, dự báo hoạt động sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn hơn, thách thức nhiều hơn thời cơ, sức ép về lạm phát còn cao, tăng trưởng có thể đạt thấp so với kế hoạch đã được đề ra.
Do đó, đại biểu cho rằng, cần tiếp tục có các giải pháp cụ thể về chính sách tài chính để thúc đẩy kích cầu tiêu dùng trong nước trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
“Với giải pháp về việc giảm thuế giá trị gia tăng cùng với các cơ chế hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí khác sẽ tạo điều kiện rất lớn nhằm giúp các doanh nghiệp giảm dần một phần chi phí sản xuất kinh doanh, từng bước tăng dần lợi nhuận, góp phần ổn định phát triển kinh tế về lâu dài”, đại biểu Nguyễn Tạo nêu ý kiến.
Cần phân tích rõ tác động của chính sách đến ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi kinh tế
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương phát biểu. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Góp ý về tác động chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đề nghị Chính phủ phân tích rõ tác động của chính sách đến mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Đại biểu cho rằng, Tờ trình chưa phân tích một cách thuyết phục hiệu quả tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, tiêu dùng nhờ chính sách này. Chỉ số tăng ở mức bán lẻ trong 4 tháng của năm 2023 nhờ áp dụng chính sách còn chưa rõ.
Do đó, đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn tăng mức bán lẻ hàng hóa của năm 2023 còn kém hơn năm 2022 có phải do chính sách giảm thuế mới chỉ áp dụng trong 6 tháng, trong khi năm 2022 áp dụng cho cả 11 tháng hay không?
Bên cạnh đó, đại biểu Việt Nga cho rằng, tác dụng của chính sách này với việc tạo công ăn việc làm cho người lao động cũng cần được đánh giá một cách đầy đủ, chưa có cơ sở vững chắc để khẳng định giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng 2% đã góp phần tích cực tạo công ăn việc làm cho người lao động trong đợt dịch vừa qua.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị cần xem xét kỹ hơn để đánh giá việc giảm thuế có tác động như thế nào với ngân sách các địa phương và đây có phải nguyên nhân khiến một số chỉ tiêu về kinh tế của năm 2023 không hoàn thành hay không, nhất là chỉ tiêu về GDP.
Đại biểu cũng đề nghị việc tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng cần rà soát kỹ các nhóm hàng hóa, dịch vụ được áp dụng, không nhất thiết phải áp dụng giống danh mục hàng hóa, dịch vụ như áp dụng trong năm 2022 và 6 tháng cuối năm 2023.
Như vậy, phải đánh giá hiệu quả thực chất của chính sách đối với từng loại hình hàng hóa, dịch vụ để bảo đảm chính sách được ban hành vừa có tác dụng tốt nhất trong mục tiêu xây dựng nghị quyết lại vừa không ảnh hưởng nhiều đến giảm thu ngân sách nói chung và đến thu ngân sách của các địa phương nói riêng.
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) phát biểu. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Chung quan điểm, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) bày tỏ tán thành với sự cần thiết ban hành chính sách giảm thuế giá trị gia tăng để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, góp phần giảm giá hàng hóa dịch vụ, kích cầu tiêu dùng để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm cho người lao động.
Theo đại biểu, hiện nay, tình hình kinh tế-xã hội đã thay đổi, nhiều ngành, lĩnh vực không được giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội cũng đang rất khó khăn, như kinh doanh bất động sản, ngân hàng, chứng khoán... Vì vậy, đại biểu đề nghị cần có đánh giá lại tình hình thực tế hiện nay để có quy định về phạm vi áp dụng của dự thảo Nghị quyết cho phù hợp.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cũng cho rằng cần đánh giá kỹ việc áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng. Theo đại biểu, ý nghĩa của giảm thuế giá trị gia tăng có tác dụng giảm giá thành và kích cầu.
Trước đây, khi lần đầu ban hành chính sách này gắn với Nghị quyết 43 vào thời điểm người dân đang gặp khó khăn nên cần phải giảm thuế để kích cầu và hỗ trợ cho người dân ở những mặt hàng mà người dân hay sử dụng.
Đại biểu cho rằng, giảm thuế này có lợi trực tiếp nhưng người dân cũng có thể chỉ bị hại một cách gián tiếp sau này khi nguồn thu ngân sách của Nhà nước không được bảo đảm, dẫn đến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước bị ảnh hưởng và tác động đến kinh tế vĩ mô.
Đại biểu cho rằng đánh giá tác động về việc giảm thuế giá trị gia tăng chưa được nghiên cứu một cách thấu đáo. Báo cáo chỉ ra tác động thu ngân sách giảm nhưng với điều kiện GDP tăng trưởng từ 6 đến 6,5%.
Theo đại biểu, cần có một nghiên cứu đánh giá để phân tích một cách tổng thể, không thể cảm tính là nên giảm hay không nên giảm một số ngành hàng. “Người dân thì thích giảm thuế trước mắt vì mua được hàng giá rẻ và kích cầu, nhưng chính sách kích cầu thì sẽ tăng thêm được bao nhiêu GDP, không thể giảm thuế mãi”, đại biểu tỉnh Bình Dương nêu rõ.
Giảm thuế giá trị gia tăng chỉ có tác dụng trong ngắn hạn
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Phát biểu giải trình, làm rõ ý kiến các đại biểu Quốc hội nêu về đề xuất tại sao giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số đối tượng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đề xuất này nhằm giảm áp lực ngân sách nhà nước.
Bộ trưởng nhấn mạnh, việc giảm thuế giá trị gia tăng chỉ là một trong nhiều biện pháp và chỉ có tác dụng trong ngắn hạn, không có tác dụng trong dài hạn, do vậy vẫn cần triển khai các giải pháp lâu dài nhằm tăng trưởng GDP.
Việc đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng chỉ áp dụng trong ngắn hạn, bởi thuế tác động đến việc nâng cao năng lực tài chính công, muốn vậy phải tăng thuế suất…
Do đó, trong ngắn hạn giảm thuế để tạo điều kiện doanh nghiệp vượt qua khó khăn, sau đó sẽ tăng thuế suất - đây là xu thế tất yếu, song song với đó sẽ áp dụng các biện pháp kích cầu khác để thúc đẩy tăng trưởng GDP.
Về câu hỏi đại biểu băn khoăn liên quan đến thời gian áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ đánh giá cụ thể tác động của chính sách này trước khi báo cáo với Quốc hội.
Gửi phản hồi
In bài viết