Cần những giải pháp mới để chống xuất bản phẩm lậu, giả

Thị trường sách trong nước bị nhiễu loạn bởi xuất bản phẩm lậu, giả đang là vấn nạn nhức nhối. Đặc biệt, thời gian gần đây, các dạng mới như sách nói, sách điện tử… đã bị giả mạo với tốc độ chóng mặt, được bán công khai, chạy quảng cáo rầm rộ, khai thác nội dung trái phép trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.

Triển lãm sách điện tử tại một sự kiện của ngành xuất bản.

Theo số liệu của Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định 131/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan, tổ chức hồi đầu năm 2023, từ năm 2014-2022 đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 534 tổ chức, cá nhân; xử phạt vi phạm hành chính 447 tổ chức và ba cá nhân với tổng số tiền xử phạt gần 12,9 tỷ đồng; các vi phạm chủ yếu là xâm phạm quyền phân phối tác phẩm, xâm phạm quyền sao chép tác phẩm, xâm phạm quyền đứng tên tác phẩm...

Thủ đoạn ngày càng tinh vi

Các đối tượng dùng nhiều chiêu trò, phương thức tinh vi nhằm tiêu thụ xuất bản phẩm lậu, giả. Nhức nhối hơn cả là xuất bản phẩm điện tử lậu, giả thông qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử được bán với giá chỉ bằng 1/2, thậm chí chỉ bằng 1/3 giá của sách thật. Không dừng ở đó, nhiều đối tượng còn phát sóng trực tiếp (livestream) tóm tắt, đánh giá (review) sách trên mạng xã hội để tăng tương tác.

Vì tính chất đa phương tiện và dễ dàng sao chép nên xuất bản phẩm điện tử lậu, giả đã tăng nhanh về số lượng. Theo số liệu nghiên cứu của Media Partners Asia, năm 2022, Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực ASEAN (sau Indonesia và Philippines) về tỷ lệ vi phạm bản quyền trên không gian số. Còn tính theo đầu người, Việt Nam đứng thứ nhất, với khoảng 15,5 triệu người xem bất hợp pháp, làm thất thoát khoảng 348 triệu USD. Vi phạm quyền tác giả trên không gian số được thể hiện với nhiều hình thức khác nhau, trong đó một tỷ lệ lớn thuộc về lĩnh vực xuất bản.

Gần đây, tại Hội thảo khoa học “Sự tác động của xuất bản phẩm lậu, giả đối với phát triển văn hóa đọc” do Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp một số đơn vị tổ chức. Công ty cổ phần sách Alpha Books và Omega Plus cho biết, trong hơn 1.000 đầu sách điện tử của đơn vị này, có đến vài trăm đầu sách bị xâm phạm bản quyền. Theo nhiều đơn vị làm sách điện tử, các đối tượng còn phát triển thành dạng sách nói, phát tán trên nền tảng số, các diễn đàn, một số công ty có tư cách pháp nhân cũng ngang nhiên đánh cắp các bản sách điện tử để kinh doanh khi chưa có sự đồng ý, ký kết hợp đồng phân phối.

Thực tế, trong khi xuất bản phẩm dạng in đang được quản lý khá kỹ, dễ dàng phát hiện sai phạm, thì với hệ thống xuất bản phẩm điện tử là ngược lại. Hậu quả gây ra, gồm: Cạnh tranh bất chính gây thiệt hại kinh tế cho tác giả, đơn vị/cá nhân sở hữu tác quyền và các nhà làm sách chân chính; ảnh hưởng nghiêm trọng tới văn hóa đọc bởi có thể chứa nội dung chắp vá, sai lệch, thiếu sót; tạo hình ảnh xấu về vi phạm sở hữu trí tuệ trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; nhiều nhà xuất bản nước ngoài không sẵn sàng chuyển giao bản quyền cho đơn vị đã được nhượng quyền tại Việt Nam do vi phạm bản quyền xuất bản phẩm điện tử ảnh hưởng tới việc kinh doanh sách in…

Cần các giải pháp mới

Theo Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên, để giải quyết vấn đề xuất bản phẩm lậu, giả đã tồn tại hơn 30 năm nay - một vấn nạn cản trở sự phát triển bền vững - cần tư duy mới và các giải pháp mới. Cụ thể, về nhóm giải pháp quản lý, cần bổ sung, hoàn thiện Luật Xuất bản và các văn bản hướng dẫn thi hành, và đặc biệt quan tâm đến hoàn thiện thể chế gắn với thương mại điện tử, logistics để đấu tranh hữu hiệu với các hành vi gian lận thương mại trên không gian mạng.

Đồng thời, cần tăng cường thực thi luật một cách đồng bộ, trọng tâm là trách nhiệm của các cơ quan quản lý xuất bản và các cơ quan bảo vệ pháp luật, cùng chủ động đấu tranh mạnh mẽ với các hành vi xâm phạm bản quyền. Các quy định về bản quyền hiện nay đã tạo hành lang pháp lý rất thuận lợi để tác giả, nhà xuất bản có thêm phương tiện bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, dù một số quy định của Luật Xuất bản chưa được hoàn thiện và bị giới hạn theo phạm vi.

Để quản lý, cũng cần bổ sung thiết chế bảo vệ, trong đó trọng tâm là sớm hình thành Trung tâm bảo vệ bản quyền sách của Hội Xuất bản, trở thành địa chỉ tin cậy, thay mặt tác giả, nhà xuất bản, đơn vị làm sách đấu tranh pháp lý với các đối tượng vi phạm, nhất là với các nền tảng xuyên biên giới.

Về nhóm giải pháp kinh tế, cần chú ý thỏa đáng nhằm ngăn chặn dòng tiền bất hợp pháp, vì về bản chất, mục đích của hành vi làm xuất bản phẩm lậu, giả là tìm kiếm lợi nhuận.

Về nhóm giải pháp kỹ thuật, thay vì thực hiện đơn lẻ, cần phối hợp đồng bộ tất cả đơn vị trên nền tảng ứng dụng công nghệ, trong đó các nhà xuất bản giữ vai trò kiểm soát, kể cả sản phẩm liên kết (hiện chỉ một số ít nhà xuất bản chủ động đầu tư ứng dụng công nghệ số, còn lại vẫn phụ thuộc vào đối tác liên kết). Triển khai giải pháp này không chỉ bảo đảm quản lý mà còn bảo vệ quyền lợi tác giả.

Các đơn vị cần phối hợp các công ty công nghệ hoặc có giải pháp chủ động báo cáo sai phạm đối với các sản phẩm, gian hàng, tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm bản quyền trên không gian mạng, đặc biệt là các nền tảng xuyên biên giới; cung cấp sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến, tăng cường trải nghiệm cho bạn đọc, bạn nghe sách nói để mở rộng thị trường…

Song song với ba nhóm giải pháp trên, đại diện Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết, nhóm giải pháp truyền thông cũng là vấn đề đáng được quan tâm, cần thay thế truyền thông bị động bằng truyền thông chủ động. Các giải pháp cụ thể cần sớm được thực hiện, gồm: Tăng cường ý thức bảo vệ bản quyền của cả người làm sách, người đọc sách (đặc biệt là học sinh, sinh viên) và nhận thức của các cấp, các ngành trong bảo vệ bản quyền sách - chính là bảo vệ động lực sáng tạo; truyền thông sản phẩm, đối tượng làm lậu, làm giả... để người tiêu dùng nhận biết.

Luật Xuất bản hiện hành quy định khá chi tiết các hành vi xâm phạm bản quyền và chế tài xử lý, song, vẫn thiếu những biện pháp thực thi và phối hợp cụ thể, đồng bộ và quyết liệt của các cơ quan hữu quan.

Việc xử lý tình trạng xuất bản phẩm điện tử lậu, giả còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và cá nhân để giải quyết vấn đề một cách kịp thời, hiệu quả và hiệu lực răn đe cao. Hiện trạng nhức nhối về xuất bản phẩm lậu, giả đang đặt ra đòi hỏi đối với các cơ quan chức năng là cần có những động thái cụ thể, hữu hiệu hơn và đặc biệt là sự đổi mới về giải pháp.

Theo Báo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục