Bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ được cách ly điều trị tại Bình Dương.
Thành phố Hồ Chí Minh vừa phát hiện thêm 4 ca mắc đậu mùa khỉ mới, đưa tổng số ca nhiễm lên 13 ca. Trong số những ca mắc, có một ca được phát hiện tại Đài Loan (Trung Quốc) vào tháng 7/2023 và hai ca là trường hợp xâm nhập. Các trường hợp này đang được giữ cách ly và điều trị theo dõi.
Nhận định về nguy cơ của bệnh đậu mùa khỉ khi đã xâm nhập vào Việt Nam, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh đậu mùa khỉ đã lây lan ở nhiều nước trên thế giới, nên việc bệnh này xâm nhập vào Việt Nam là điều đương nhiên, và thậm chí có thể có lúc bệnh sẽ lưu hành tại Việt Nam.
Bệnh đậu mùa khỉ mới xuất hiện, do vậy, theo bác sĩ Cấp, cần ngăn chặn để bệnh không phát tán rộng là điều tốt nhất. Khi không may, đậu mùa khỉ trở thành bệnh lưu hành ở một khu vực nào đấy, chúng ta không thể nào làm sạch mầm bệnh, khi đó, Việt Nam phải cố gắng kiểm soát để giảm nguy cơ lây nhiễm, giảm tác hại của bệnh.
Theo chuyên gia này, về cơ bản đậu mùa khỉ là bệnh dễ lây nhiễm. Tuy nhiên, độc lực của bệnh không quá mạnh, không có nguy cơ gây tử vong cao. Do vậy, bệnh được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm B và cần thực hiện các biện pháp phòng, chống như các bệnh truyền nhiễm khác trong nhóm B, có đường lây tương tự.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, khi dịch đậu mùa khỉ chưa lưu hành ở Việt Nam, chúng ta cần cố gắng phát hiện sớm những ca mắc bệnh để khoanh vùng, cách ly sớm. Đồng thời giám sát những người tiếp xúc gần để cách ly sớm. Đây là những biện pháp phòng, chống dịch đơn giản và hiệu quả nhất.
"Nếu không may, khi đậu mùa khỉ trở thành dịch lưu hành tại Việt Nam, lúc đó, người dân ngay khi có triệu chứng nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ, với những tổn thương của đậu mùa khỉ thì cần chủ động cách ly, không tiếp xúc trực tiếp với mọi người chung quanh, nhằm tránh phát tán những dịch sinh vật và virus ra môi trường bên ngoài, gây lây nhiễm cho người khác", bác sĩ Cấp nói.
Những người có công việc đi tới các vùng dịch hay công việc có liên quan đến tiếp xúc gần với những mắc bệnh, có triệu chứng mắc bệnh đậu mùa khỉ, thì cần bảo đảm có phương tiện phòng hộ như khẩu trang, găng tay, tránh tiếp xúc niêm mạc… để tránh nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh.
Nếu phát hiện bản thân hoặc người chung quanh có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh Mpox cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị đúng.
Người bị bệnh cần tuân thủ nghiêm túc các hướng dẫn của nhân viên y tế trong chăm sóc điều trị cho bản thân, giảm thiểu các biến chứng cũng như thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng lây nhiễm. Đồng thời cũng cần phối hợp truyền thông cho những người tiếp xúc gần với mình để phát hiện sớm triệu chứng bệnh và ngăn chặn sự lây lan.
Bệnh đậu mùa khỉ (monkeypox), là bệnh lây truyền từ động vật sang người, việc lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp gần, lây qua vết thương hở, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng nhiễm mầm bệnh…
Thời gian ủ bệnh thường từ ba đến sáu ngày, nhưng có thể dao động từ 5 đến 21 ngày. Biểu hiện triệu chứng có thể khác nhau, tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh, nhưng tương tự như bệnh đậu mùa, các triệu chứng thường thấy như: Sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, phát ban (có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn). Bệnh có thể tự khỏi trong vòng từ hai đến ba tuần.
Ngay khi dịch bệnh ghi nhận tại Việt Nam, Bộ Y tế đã có công văn khẩn đề nghị các Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương tăng cường giám sát, phòng chống bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 2265/QĐ-BYT ngày 22/8/2022; chủ động, phối hợp, khẩn trương điều tra kỹ tất cả các trường hợp tiếp xúc với trường hợp dương tính để xác định nguồn lây nhiễm nhằm quản lý, xử lý triệt để ổ dịch (nếu có) không để dịch lây lan ra cộng đồng.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng nhận định, ngành y tế cần tiếp tục điều tra dịch tễ, giám sát ca bệnh, đánh giá nguy cơ để có biện pháp ứng phó phù hợp, không để mất kiểm soát dịch nhưng cũng không gây tốn kém nguồn lực. Việt Nam cần tiếp tục giám sát cửa khẩu, người đi từ vùng dịch về, giám sát cộng đồng có ghi nhận bệnh nhân và những nơi khác để kịp thời khoanh vùng, cách ly, tránh lây lan tại cộng đồng.
Gửi phản hồi
In bài viết