Trong bất kỳ sự đổi mới sắp xếp bộ máy nào cũng có sự xáo trộn cùng nhiều ý kiến khác nhau. Rất nhiều người quyết tâm, mong muốn vào sự đổi mới, đột phá, do đó có tâm lý kỳ vọng, trông đợi, nhưng cũng không tránh khỏi tâm lý lo lắng và những ý kiến trái chiều. Bởi khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy, sẽ có những người bị ảnh hưởng quyền lợi cá nhân. Thậm chí, có người sẽ không còn chỗ trong bộ máy, phải chuyển đơn vị công tác hoặc đang từ cấp trưởng xuống làm cấp phó.
Do đó để có được sự đồng thuận, ủng hộ cao của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, vai trò và trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cơ quan, đơn vị rất quan trọng. Đây chính là tình huống cụ thể để người đứng đầu phát huy và thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu của mình.
Trước hết, người đứng đầu cần nhận thức đầy đủ và đúng đắn về tính cấp thiết phải tinh gọn bộ máy của Đảng, Nhà nước trong điều kiện hiện nay nhằm chống lãng phí, xây dựng bộ máy làm việc hiệu lực, hiệu quả. Gương mẫu trước hết nằm ở việc dám đối mặt với sự thay đổi. Sự gương mẫu cần thể hiện qua hành động cụ thể, như sẵn sàng tái cấu trúc cơ quan mình, giảm số lượng cán bộ hoặc tự điều chỉnh cơ chế làm việc để phù hợp với tinh thần cải cách.
Nhưng nếu như người đứng đầu không nêu gương thực hiện sẽ xuất hiện tâm lý chần chừ, e ngại, do đó sẽ gây cản trở cho công cuộc tinh gọn, sắp xếp bộ máy. Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhiều lần nhấn mạnh rằng, để quá trình này thành công, cần có sự “gương mẫu” và “hy sinh” từ từng cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người đứng đầu. Đây không chỉ là yêu cầu, mà còn là điều kiện tiên quyết để đạt được thành công.
Gửi phản hồi
In bài viết