Ảnh minh họa.
Từ gần 10 năm nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện chủ trương không phát hành tiền lẻ mới, mệnh giá dưới 10.000 đồng vào dịp Tết Nguyên đán; đồng thời, nghiêm cấm cán bộ, các tổ chức ngân hàng lợi dụng, tiếp tay, cung cấp tiền mới cho các đối tượng kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch, kể cả việc lựa chọn những đồng tiền đã qua lưu thông nhưng còn mới để tập hợp thành thếp, bó...
Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước từ năm 2021 cũng được yêu cầu tuyệt đối không được đổi tiền mới in cho doanh nghiệp, cá nhân, kể cả cán bộ Ngân hàng Nhà nước. Cán bộ nào có hành vi lợi dụng, tiếp tay cho việc đổi tiền mới in không đúng quy định sẽ bị xử lý nghiêm. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các địa phương cũng được yêu cầu phải chủ động cân đối, xây dựng kế hoạch thu chi tiền mặt, ưu tiên chi tiền đã qua lưu thông mệnh giá từ 10.000 đồng trở xuống để đáp ứng nhu cầu thanh toán trong nền kinh tế, đặc biệt là tiếp quỹ ATM, chi lương, chi bảo hiểm xã hội, chi cho siêu thị, trung tâm thương mại.
Từ vài năm nay, việc đổi tiền lẻ, tiền mới không còn tập trung tại các điểm đổi tiền trên đường phố mà đã "nhảy lên" mạng xã hội (website, Facebook, Zalo, Tiktok,...). Tùy vào số lượng và mệnh giá tiền, phí đổi sẽ khác nhau. Người dùng sẽ được giao hàng tận nơi, trên phạm vi toàn quốc.
Thời điểm này, mức phí đổi với tiền mệnh giá 100.000-200.000 đồng đã tăng dao động từ 3%-8%, tiền lẻ từ 1.000-2.000 đồng từ 10%-15%. Riêng với nhu cầu đổi tiền số lượng lớn, như đổi từ 10 triệu đồng trở lên thì mức phí ưu đãi hơn, dao động từ 2,5%-4%.
Ngoài dịch vụ đổi tiền mới, tiền lẻ, các địa chỉ trên còn quảng cáo đổi cả các đồng tiền hiếm là ngoại tệ của nhiều nước với giá trị gấp nhiều lần mệnh giá thực tế, tùy vào độ độc, lạ của tờ tiền. Đơn cử như năm nay, với tờ tiền mệnh giá 2 USD (tương đương gần 50.000 đồng) in hình con mèo, biểu tượng của năm âm lịch 2023 có giá lên tới 200.000 đồng/tờ. Với những tờ tiền có số seri đẹp, giá bán có thể lên tới hàng triệu đồng.
Theo khẳng định của Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán, phục vụ lưu thông hàng hóa tiền tệ thuận lợi, Ngân hàng Nhà nước luôn cung ứng và đáp ứng đủ tiền mặt cả về số lượng, cơ cấu và mệnh giá thông qua hệ thống các tổ chức tín dụng, nhất là cho doanh nghiệp thương mại, siêu thị dịp cuối năm và Tết cổ truyền.
Thông tư số 25/2013/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quy định về việc thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông. Theo đó, chỉ những tổ chức được Nhà nước cho phép như: Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước mới được phép thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông cho tổ chức, cá nhân.
Ngoài các đơn vị này, mọi hoạt động thu, đổi tiền của cá nhân, tổ chức khác đều là bất hợp pháp. Bên cạnh đó, theo Nghị định 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, bất kỳ hành vi đổi tiền mới, tiền lẻ nhằm hưởng phần trăm chênh lệch, đổi tiền thu lời đều là hành vi trái pháp luật và có thể bị xử phạt từ 20-40 triệu đồng. Mức phạt trên áp dụng với cá nhân, còn với tổ chức sẽ tăng nặng gấp hai lần.
Ngày 23/12/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 22/CT-TTg về tăng cường biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, trong đó, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng các tỉnh, thành phố tập trung xử lý nghiêm việc đổi tiền không đúng quy định dịp Tết âm lịch 2023. |
Một điều đáng mừng trong những năm gần đây, thói quen thanh toán của người dân đã có nhiều thay đổi khi chuyển dần sang không dùng tiền mặt. Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, năm 2022, thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng gần gấp đôi so với năm trước. Đến tháng 11/2022, các giao dịch qua ví điện tử, ứng dụng và thẻ ngân hàng tăng 85% về số lượng và 31% về giá trị so với cuối năm 2021.
Số liệu từ NAPAS cũng cho thấy, tỷ trọng giao dịch rút tiền mặt xử lý qua hệ thống của công ty này đã giảm từ 12% năm 2021 xuống còn 6,56% năm 2022. Đáng chú ý, phần lớn người dân, nhất là người trẻ thường có ví điện tử và một số tiền nhất định trong ví điện tử của mình. Theo một thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tổng số tiền của người dân trong 45 ví điện tử đang lưu hành lên đến 3.300 tỷ đồng...
Các app ngân hàng, ví điện tử,... đều có hình thức "lì xì", dù mới mẻ nhưng cũng được khá nhiều bạn trẻ ưa thích. Sự phát triển của công nghệ thanh toán cũng được kỳ vọng sẽ góp phần giảm nhu cầu đổi tiền lẻ, tiền mới mỗi độ Tết đến Xuân về trong tương lai.
Còn thực tế hiện nay, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, tình trạng đổi tiền mới nhộp nhịp trên mạng có thu phí vẫn diễn ra dịp cận Tết Nguyên đán, dù vi phạm pháp luật. Bởi thế, người dân cần cẩn trọng với dịch vụ đổi tiền lấy phí đang diễn ra trên mạng vì không những vi phạm pháp luật mà còn có nguy cơ gặp phải tiền giả, hoặc bị "bùng" tiền đặt cọc...
Mặt khác, cơ quan này cũng đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước thực hiện quản lý tốt để hạn chế sai phạm phát sinh, bảo đảm an ninh, an toàn tiền tệ.
Trước đó, ngày 23/12/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 22/CT-TTg về tăng cường biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, trong đó, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng các tỉnh, thành phố tập trung xử lý nghiêm việc đổi tiền không đúng quy định dịp Tết âm lịch 2023, đồng thời, tổ chức tốt công tác điều hòa và cung ứng tiền mặt, đáp ứng nhu cầu tiền mặt cho nền kinh tế cả về giá trị và cơ cấu mệnh giá...
Gửi phản hồi
In bài viết