Theo thông báo của OPCC, việc tiến hành điều tra được thực hiện sau khi văn phòng này tiếp nhận các đơn khiếu nại về việc thu thập, sử dụng và tiết lộ thông tin cá nhân mà chưa có sự đồng ý của người dùng. Tuy không cung cấp chi tiết, song cơ quan này khẳng định sẽ thông tin công khai về kết quả sau khi hoàn tất quá trình điều tra. Cũng theo một quan chức OPCC, AI và tác động của vấn đề này đối với quyền riêng tư là điều cần lưu ý hàng đầu, đồng thời nhấn mạnh, OPCC phải đi trước “những tiến bộ công nghệ đang phát triển nhanh chóng”.
Động thái trên của cơ quan quản lý Canada diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều chuyên gia kêu gọi tăng cường giám sát công nghệ do AI cung cấp.
ChatGPT đã tạo nên một "cơn sốt công nghệ" sau khi ra mắt vào tháng 11 năm ngoái. Ứng dụng sử dụng thông tin văn bản đã có sẵn trên mạng này có thể đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi hóc búa, viết mã code, sáng tác thơ hoặc viết bài luận...
Các báo cáo của ngân hàng đầu tư đa quốc gia UBS cho thấy tính đến tháng 3-2023, ChatGPT đã thu hút khoảng 150 triệu người dùng, qua đó trở thành ứng dụng có lượng người dùng tăng nhanh nhất trong lịch sử.
Tuy nhiên, hiện có nhiều quốc gia trên thế giới quan ngại về tính bảo mật của ứng dụng này. Mới đây, Italia đã tỏ ra cứng rắn khi cấm ChatGPT, trong khi Đức cũng đang xem xét tiến hành một động thái tương tự. Cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol) cảnh báo rằng, các đối tượng tội phạm sẵn sàng lợi dụng AI như các bot hội thoại để thực hiện hành vi lừa đảo và vụ phạm tội trực tuyến khác.
Gửi phản hồi
In bài viết