Cảnh báo tội phạm buôn bán người qua biên giới

Ngày 17-7, Công an thành phố Hà Nội thông tin, 6 tháng đầu năm 2024, các đơn vị thuộc Công an thành phố Hà Nội đã điều tra, xử lý 7 vụ án, khởi tố 17 bị can về hành vi mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi, trong đó có 3 vụ án mua bán người ra nước ngoài.

Trước tình hình đó, Công an thành phố Hà Nội cảnh báo để người dân nhận biết, tránh mắc bẫy của loại tội phạm này.

Lợi dụng sự cả tin của các nạn nhân có nhu cầu tìm kiếm việc làm, các đối tượng phạm tội mua bán người thường lợi dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội, tạo lập các tài khoản ảo, các hội nhóm việc nhẹ - lương cao, xuất khẩu lao động,… để lừa gạt nạn nhân sang Campuchia làm việc cho các công ty với mức lương cao và có hợp đồng lao động.

0-2.png

Cảnh báo từ cơ quan chức năng. Ảnh: Đức Tuấn

Nạn nhân thường là những người trẻ tuổi, người ít hiểu biết về pháp luật, xã hội, cần tìm kiếm việc làm.

Sau khi sang Campuchia, lấy cớ không đáp ứng được công việc để bắt làm việc khác. Nếu muốn xin về Việt Nam, nạn nhân phải nộp tiền chuộc.

Để không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, trước hết bản thân mỗi người dân cần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân. Cần tham khảo ý kiến của mọi người và thông báo, nhắn gửi cho gia đình, người thân biết mình sẽ đi đâu, làm gì, đi với ai, trước khi quyết định đi xa.

Đặc biệt, người dân, nhất là nhóm trẻ tuổi cần cảnh giác, đề phòng người lạ hoặc người quen đi làm xa trở về, hứa hẹn tìm việc hoặc rủ hợp tác làm ăn. Cần tìm hiểu kỹ trước những lời hứa hẹn tìm giúp việc làm có thu nhập cao trong các nhà máy, cửa hàng, quán bar, giúp việc trong nước, nước ngoài hoặc lấy chồng nước ngoài giàu có.

Cảnh giác, từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác, nhất là từ người lạ mới quen biết. Trước khi nhận lời mời, mỗi người cần tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm mà mình định đến và đặc điểm, nhân thân của những người đi cùng mình.

Thường xuyên tìm hiểu để nâng cao trình độ văn hóa, pháp luật, kỹ năng tự bảo vệ.

Luôn nhớ địa chỉ và số điện thoại tin cậy (của chính quyền, cơ quan, tổ chức, người thân…) để có thể liên hệ giúp đỡ khi cần thiết. Đồng thời, mỗi người nên tuyên truyền cho người thân trong gia đình, bạn bè biết và cảnh giác với tội phạm mua bán người.

Khi phát hiện hành vi buôn bán người hãy thông báo cho cơ quan pháp luật, tổ chức chính quyền nơi gần nhất.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục