Trên các nền tảng ứng dụng điện thoại di động, không khó để tải và cài đặt các ứng dụng vay tiền. (Ảnh ĐỖ NGA)
Anh P.T (trú tại thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết, do đang cần tiền chi tiêu, lại thấy quảng cáo về một ứng dụng cho vay tiền với thủ tục đơn giản, anh đã đăng ký vay 60 triệu đồng. Không lâu sau, một người gọi điện và kết bạn qua tài khoản Zalo của anh T rồi yêu cầu anh cung cấp thông tin giấy tờ tùy thân để làm thủ tục vay tiền. Trong quá trình làm hồ sơ, người này liên tục thông báo hồ sơ bị lỗi, đề nghị anh phải nộp trước tiền bảo lãnh để vay tiền. Sau nhiều lần chuyển hàng chục triệu đồng vào hai số tài khoản được chỉ định, anh T vẫn không nhận được số tiền cần vay.
Biết mình bị lừa, anh đã lên cơ quan công an trình báo. Cũng “mắc bẫy” vay tiền trên mạng, anh Văn Quân, trú tại Hà Nội chia sẻ, qua một trang mạng xã hội, anh đăng ký vay 2 triệu đồng với thời gian vay 5 ngày, lãi suất 200 nghìn đồng. Sau khi hoàn tất đăng ký và gửi ảnh chụp căn cước công dân, anh Quân chỉ được giải ngân số tiền 1 triệu đồng. Do bận việc, quên trả tiền, đến ngày thứ 6, anh Quân nhận được thông báo anh phải trả tổng cộng 2,5 triệu đồng bao gồm tiền gốc, lãi và 300 nghìn đồng tiền phạt quá hạn. “Số tiền phải trả lớn hơn nhiều so với tiền tôi nhận được cho nên tôi không chấp nhận thanh toán. Lúc này, người cho vay liên tục nhắn tin đe dọa sẽ đưa hình ảnh cá nhân của tôi lên các diễn đàn. Do ngại phiền phức, tôi đành phải chuyển khoản số tiền bên kia yêu cầu”, anh Quân cho biết.
Hiện nay, lợi dụng tâm lý không ít người gặp khó khăn về tài chính sau dịch Covid-19, các ứng dụng, website, trang mạng xã hội cho vay tiền mọc lên nhan nhản. Trên các nền tảng ứng dụng điện thoại di động, không khó để tải và cài đặt các ứng dụng vay tiền. Thậm chí, khi mua điện thoại tại một số cửa hàng, các ứng dụng này còn được cài sẵn trên máy. Hầu hết ứng dụng được thiết kế bắt mắt, dễ sử dụng và kèm theo nhiều lời quảng cáo như “duyệt nhanh trong 30 giây”, “lãi suất bằng lãi ngân hàng”…
Nhiều người vay tiền qua hình thức này cho biết, khi tạo tài khoản đăng nhập vào các ứng dụng này, có khi chỉ mất 15 phút tiền vay đã về tài khoản, nhưng tiền nhận được đều ít hơn tiền đăng ký vay với lý do trừ tiền lãi trước. Sau khi “chốt” gốc, lãi, nếu làm phép tính sẽ cho ra mức lãi suất có khi lên đến 200-300%/tháng.
Không chỉ hoạt động trên ứng dụng điện thoại, nhiều tổ chức, cá nhân còn mở các website, trang mạng xã hội cho vay tiền. Khi phóng viên truy cập vào một website có tên http://vaytiennhanh... thì ngay lập tức hiện lên dòng quảng cáo: “Không cần gặp mặt, chỉ cần CMND, tiền online nhanh, chuyển khoản cấp tốc”. Trao đổi với nhân viên tư vấn qua thanh chat (trò chuyện) thì được biết, hình thức này cũng tương tự như vay tiền qua ứng dụng điện thoại. Mặc dù lãi suất trang web này quảng cáo là chỉ 12 đến 20%, nhưng để nhận được mức lãi đó phải qua nhiều quy trình kiểm tra, xác minh phức tạp. “Nếu anh muốn vay nhanh, thủ tục đơn giản thì mức lãi suất sẽ cao hơn.
Đến hạn trả nợ mà chưa thanh toán được thì số tiền gốc, lãi và tiền phạt sẽ được gộp thành khoản vay mới”, nhân viên này cho biết. Tại các trang mạng xã hội, tình trạng tổ chức cho vay tiền với lãi suất cao cũng nhộn nhịp không kém. Trên Facebook, nhiều hội, nhóm, diễn đàn có tên “Hội vay tiền online”, “Vay tiền bằng CMND”, “Vay tiền siêu nhanh”… được lập ra với hàng chục nghìn thành viên tham gia. Tại các nhóm này, không chỉ quảng cáo cho các ứng dụng, website vay tiền mà người có nhu cầu còn có thể dễ dàng vay tiền từ những người đăng bài. Số tiền cam kết cho vay dao động từ 500 nghìn cho đến 100 triệu đồng và yêu cầu thủ tục cũng chỉ là ảnh chụp giấy tờ tùy thân.
Anh N.D, một người từng vay tiền trên diễn đàn cho biết, sau khi nhắn tin cung cấp thông tin cá nhân với đối tượng quảng cáo cho vay tiền thì được thông báo có thể vay cao nhất 10 triệu đồng. Sau đó, người cho vay gửi đường link hướng dẫn tải một ứng dụng, tạo tài khoản và đăng nhập. Tuy nhiên, cung cấp ảnh chụp hai mặt giấy tờ tùy thân xong, anh D chỉ được duyệt vay 2 triệu đồng. Bấm nút đồng ý vay số tiền này thì anh D mới biết anh chỉ thực nhận hơn 1 triệu đồng do bị trừ hơn 600 nghìn đồng tiền phí dịch vụ và 150 nghìn đồng tiền lãi.
Theo một cán bộ Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), vay tiền trực tuyến thực chất là hình thức cho vay tín chấp, người đi vay không cần có tài sản bảo đảm và người cho vay thì dựa vào uy tín của người đi vay về thu nhập và khả năng trả nợ để cho vay. Nhiều người chọn hình thức vay tiền này là do thủ tục đăng ký đơn giản, giải ngân nhanh.Tuy nhiên, đây cũng có thể là những “cái bẫy” của các đối tượng lừa đảo hoặc hoạt động tín dụng đen, kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự. Vì vậy, nếu cần vay vốn, người dân nên tìm hiểu kỹ và tìm đến các tổ chức tín dụng có uy tín để được hướng dẫn thủ tục vay tiền.
Luật sư Phạm Việt Hưng (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, hình thức cho vay trực tuyến hoạt động dựa trên mô hình cho vay ngang hàng (P2P Lending) dựa trên nền tảng công nghệ số kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay (nhà đầu tư) mà không thông qua trung gian tài chính. Toàn bộ hoạt động vay, trả nợ (gốc, lãi) giữa người đi vay và người cho vay được nền tảng giao dịch trực tuyến ghi nhận và lưu trữ bằng các bảng điện tử, số hóa. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật Việt Nam hiện tại chưa có quy định cụ thể về hoạt động của P2P Lending. Lợi dụng điều này, nhiều ứng dụng cho vay đã có các chiêu trò để cho vay với lãi suất cao. Để tránh bị lừa đảo hoặc trở thành con nợ của “tín dụng đen”, người dân cần nhận biết và tránh xa những đối tượng cho vay có biểu hiện thông tin mập mờ, không cung cấp hợp đồng vay, thu trước phí hồ sơ, lãi suất và mức phí cao…
Gửi phản hồi
In bài viết