Công an thành phố Hà Nội lấy lời khai của các đối tượng làm giả giấy tờ cơ quan, tổ chức.
Thủ đoạn tinh vi
Giữa tháng 3-2022, từ thông tin trình báo của một ngân hàng trên địa bàn huyện Thanh Trì về việc phát hiện chiếc ví của khách bị bỏ quên tại quầy giao dịch, bên trong chứa một số giấy tờ tùy thân đứng tên nhiều người khác nhau nhưng đều dán ảnh của một người, cơ quan công an đã khám phá đường dây làm giả giấy tờ cơ quan nhà nước liên quan đến Vũ Đức Tính (ở tỉnh Hòa Bình).
Qua đấu tranh, Tính khai nhận, cuối năm 2020 quen biết với Dương Gia Hà (ở tỉnh Hà Giang) và được Hà rủ làm chứng minh nhân dân giả để mở tài khoản ngân hàng bán kiếm lời. Sau đó, Tính đặt mua 7 chứng minh nhân dân, 7 giấy phép lái xe giả, đứng tên nhiều người khác nhau nhưng đều dán ảnh của Tính mang ra ngân hàng để mở tài khoản. Khi đủ bộ giấy tờ giả, Tính sử dụng để lừa đảo với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.
Đại tá Nguyễn Thế Hùng, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, cuối tháng 3-2022, đơn vị đã phối hợp với các phòng nghiệp vụ của Công an thành phố đồng loạt khám xét 12 địa điểm tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Nam Định. Qua đó lực lượng chức năng đã tạm giữ gần 400 bộ hồ sơ giấy phép lái xe ô tô, xe máy và bằng lái xe ô tô, xe máy giả do các đối tượng vừa sản xuất, chưa kịp chuyển đi tiêu thụ. Bước đầu công an làm rõ, đường dây tội phạm gồm 44 đối tượng này hoạt động qua các trang mạng xã hội, chia thành nhiều nhóm nhỏ và ước tính đã phạm tội trong hơn một năm qua, thu lợi bất chính khoảng 20 tỷ đồng.
Một thủ đoạn mới được Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng Công an quận Hà Đông thông tin, vào cuối tháng 6-2022, qua phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Hà Nội) và Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an), Công an quận Hà Đông triệt xóa đường dây sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức, lừa đảo chiếm đoạt khoảng 10 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng của người dân. Cầm đầu đường dây này là Phạm Thu Diệu (ở tỉnh Thanh Hóa) đã lợi dụng sơ hở trong giao dịch chuyển khoản qua hệ thống ngân hàng để cùng đồng bọn vào mạng xã hội mua thông tin tài khoản ngân hàng, thông tin chủ thuê bao số sim điện thoại cần làm lại, mua chứng minh nhân dân giả mang tên chủ thuê bao số sim cần làm lại… rồi liên hệ đến các cửa hàng viễn thông để xin cấp lại sim chính chủ. Sau khi có được sim điện thoại, Diệu tải ứng dụng chuyển tiền của ngân hàng, xin cấp lại mật khẩu tài khoản rồi đăng nhập chuyển khoản toàn bộ tiền trong tài khoản chiếm đoạt được đến nhiều tài khoản trung gian, sau đó mua bán tiền ảo để thực hiện việc rửa tiền, tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng…
Tăng cường công tác phòng ngừa
Thực tế cho thấy, với tiện ích của công nghệ thông tin, mạng xã hội, việc mua, bán giấy tờ tài liệu giả mạo đang là thị trường béo bở với tội phạm. Người mua, kẻ bán chỉ cần giao dịch qua mạng, chuyển tiền qua ngân hàng… nên việc phát hiện, đấu tranh triệt phá của lực lượng công an không hề dễ dàng.
Nhằm phòng ngừa loại tội phạm này, Đại tá Hà Mạnh Hùng, Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, Công an quận tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền cảnh báo thủ đoạn của tội phạm giả mạo cơ quan nhà nước đến với người dân để nêu cao tinh thần cảnh giác. Khi người dân đến chuyển tiền, nhân viên quầy giao dịch sẽ tư vấn, cảnh báo về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo, yêu cầu kịp thời liên hệ với cơ quan công an khi thấy biểu hiện nghi vấn.
Ở góc độ địa phương, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) Nguyễn Việt Trung thông tin, để cảnh báo tội phạm làm giả giấy tờ cơ quan nhà nước, cùng với hiệu quả từ các biển cảnh báo đặt tại các chi nhánh ngân hàng, phường tiếp tục triển khai gắn cảnh báo tại các máy rút tiền tự động (ATM), khu dân cư, in tài liệu tuyên truyền phát đến từng hộ gia đình, đẩy mạnh tuyên truyền phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này trên hệ thống loa truyền thanh để người dân đề cao cảnh giác...
Công an thành phố Hà Nội cho biết, từ năm 2021 đến nay đã phát hiện, tiếp nhận hơn 2.000 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó có rất nhiều vụ tội phạm dùng thủ đoạn làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, sử dụng vào mục đích ký kết các hợp đồng để lừa đảo trong hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản... Những thủ đoạn này thường xuyên được cập nhật trên mạng xã hội, qua các cơ quan báo chí để người dân đề cao cảnh giác. Công an thành phố Hà Nội cũng khuyến cáo người dân không đăng tải hình ảnh các loại giấy tờ tùy thân trên mạng xã hội, vì rất có thể đó là khởi nguồn để tội phạm lợi dụng làm giả giấy tờ để lừa đảo.
Gửi phản hồi
In bài viết