Trang trại bưởi tại xã Thái Long ( Tp Tuyên Quang) được cấp mã số vùng trồng
Không chỉ chăm sóc theo tiêu chuẩn ngặt nghèo về hữu cơ, mỗi cây bưởi trong trang trại cây ăn quả tại xã Thái Long (TP Tuyên Quang) đều được gắn số hiệu. Đây chính là mã định danh của mỗi cây hay nói cách khác là mã vùng trồng. Tất cả các mã định danh này sẽ được trang trại cập nhật vào phần mềm để theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây.
Bà Trần Thị Lịch, cán bộ kỹ thuật cho biết, cây được đeo số hiệu hay nói cách khác là mã định danh nhân viên chăm sóc rất thuận lợi trong việc xác định được vị trí, giống, đặc tính, quá trình sinh trưởng, phát triển, quản lý và kiểm soát sinh vật gây hại, thậm chí là sản lượng của từng cây trồng.
Thuận lợi cho nhà sản xuất, mã số định danh cũng giúp khách hàng dễ dàng truy xuất đến tận gốc của sản phẩm. Chị Vũ Thị Dung, tổ 10, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) cho biết, từ năm 2022 chị biết đến sản phẩm bưởi của trang trại cây ăn quả hữu cơ Thái Long. Không cần phải xuống trang trại, chị được nhân viên trang trại cung cấp mã số của từng cây trồng.
Mỗi mã số là những thông tin của cây đã được cập nhật đầy đủ, chị chỉ cần xem, lựa chọn, đặt hàng sản phẩm theo khẩu vị của mình và nhân viên trang trại sẽ mang đến tận nhà. Chị Dung chia sẻ, chị rất thích sản phẩm bưởi địa phương Thái Long, tép mọng, ráo, vị dôn dốt chua thanh.
4 vùng trồng chè của Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm với tổng diện tích 43,76 ha cũng đã được cấp mã số vùng trồng. Ông Lê Quang Chuyền, Giám đốc Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm cho biết, các lô chè trong vùng đã được cấp mã số và được theo dõi chặt chẽ từ giống, quy trình chăm sóc, thu hái và chế biến.
Đây cũng chính là diện tích chè đã đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Rainforest Alliance - Tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững thế giới. Việc Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp mã số vùng trồng càng làm rõ hơn nguồn gốc, chất lượng sản phẩm chè Mỹ Lâm và tăng sức cạnh của sản phẩm trên thị trường xuất khẩu.
Mẵ số được gắn trên cây bưởi tại trang trại cây ăn quả Thái Long ( Tp Tuyên Quang)
Theo thông tin từ các doanh nghiệp, nhà vườn được cấp mã số vùng trồng, các cơ sở dữ liệu về thổ nhưỡng, giống, đặc tính cây trồng, quy trình chăm sóc, chất lượng, sản lượng sản phẩm đều được cập nhật trên phiên bản website và ứng dụng điện thoại với các phân hệ dành cho cơ quan quản lý, cán bộ xác minh và người dân đăng ký. Do đó bạn hàng, người tiêu dùng có nhu cầu truy xuất tận gốc của sản phẩm rất dễ dàng thực hiện.
Đồng chí Trần Hải Tuyên, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt, nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng. Hơn nữa việc xây dựng, thiết lập mã số vùng trồng chính là “hộ chiếu” để nông sản xuất khẩu theo con đường chính ngạch.
Đối với doanh nghiệp, sở hữu được sở hữu mã số vùng trồng có thể trực tiếp xuất khẩu nông sản sang các nước khác. Đồng nghĩa với việc doanh nghiệp “buôn tận ngọn, bán tận gốc”, nên doanh thu và lợi nhuận sẽ cao hơn nhiều. Với lợi thế từ việc cấp mã số vùng trồng, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp tích cực nhập cuộc. Hiện tại đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 11 vùng cây trồng với tổng diện tích 127,1 ha và 2 cơ sở đóng gói sản phẩm được cấp mã số. Trong đó 9 mã số đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường EU và vào thị trường chính ngạch của Trung Quốc.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Trần Hải Tuyên, quá trình triển khai xây dựng mã số vùng trồng, Chi cục luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, đồng hành cùng bà con nông dân, địa phương cũng như doanh nghiệp trong việc hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp để đảm bảo có nhiều hơn vùng cây trồng, sản phẩm được cấp mã số. Tuy nhiên, trên thực tế, sản xuất trên địa bàn còn nhỏ lẻ, diện tích sản xuất tập trung chưa nhiều, trong khi yêu cầu để được cấp mã số vùng trồng là diện tích từ 10 ha trở lên.
Thêm vào đó là quy trình kỹ thuật canh tác chưa đồng bộ, việc tiếp cận xây dựng mã số vùng trồng của doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân còn lúng túng; số doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu nông sản, nhất là nông sản tươi còn ít. Để có nhiều hơn sản phẩm được cấp, các doanh nghiệp, hợp tác xã cần mạnh tay đầu tư để xây dựng được mã số vùng trồng thông qua các giải pháp như: đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, hợp tác chặt chẽ với các hợp tác xã, hộ nông dân có vùng sản xuất đủ lớn; đầu tư công nghệ, hỗ trợ nông dân sản xuất nông sản đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu...
Sản xuất nông nghiệp của tỉnh đang chuyển dần sang kinh tế nông nghiệp, nhiều vùng chuyên canh đã được hình thành, với rất nhiều sản phẩm có chất lượng, việc cấp mã số vùng trồng sẽ là cơ hội để minh bạch tận gốc sản phẩm và cũng là giấy thông hành để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Gửi phản hồi
In bài viết