Chỉ số cần được cải thiện
Năm 2022, chỉ số Chi phí thời gian của tỉnh là một trong những chỉ số bị đánh giá thấp so với điểm trung vị của cả nước, đạt 6,24 điểm, giảm 0,53 điểm so với năm 2021, đứng thứ 61/63 tỉnh, thành phố. Trong đó các chỉ tiêu được đánh giá trung bình như: không cần đi lại nhiều lần để lấy dấu, chữ ký, thời gian thực hiện TTHC ngắn hơn so với quy định, cán bộ nhà nước thân thiện và giải quyết công việc hiệu quả; phí, lệ phí được công khai đều đạt thấp…
Qua khảo sát, có tới 67% doanh nghiệp cho rằng việc giải quyết TTHC về đất đai không đúng với quy trình thủ tục, thời gian giải quyết TTHC dài hơn quy định; 50% doanh nghiệp cho rằng cấp xã định giá đất quá lâu; 42% cho rằng cán bộ không hướng dẫn đầy đủ các TTHC về đất đai; 38% doanh nghiệp nói rằng phải trả chi phí không chính thức trong làm thủ tục hành chính về đất đai.
Giải quyết TTHC về đất đai cho người dân và doanh nghiệp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Báo cáo của VCCI cũng chỉ ra việc giải quyết thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện còn nhiều điểm nghẽn. Trong đó, chỉ có 21% doanh nghiệp cho rằng được hướng dẫn thủ tục cấp phép rõ ràng, đầy đủ; 18% doanh nghiệp không gặp khó khăn gì khi thực hiện thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện. Đây là những con số rất thấp, đứng ở vị trí thứ 2 từ dưới lên so với các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.
Nguyên nhân và giải pháp
Thực tế, chỉ số Chi phí thời gian là một trong những yếu tố quan trọng mà các doanh nghiệp và nhà đầu tư quan tâm hàng đầu. Bởi không nhà đầu tư, doanh nghiệp nào muốn mất quá nhiều thời gian cho việc giải quyết các TTHC hay công tác thanh, kiểm tra hoặc dành thời gian tìm hiểu và thực hiện những quy định pháp luật...
Kết quả trên cho thấy, doanh nghiệp đánh giá mức độ đơn giản về thủ tục giấy tờ tại tỉnh dưới mức trung bình; những lợi ích (tiết giảm thời gian, tiết giảm chi phí) khi thực hiện TTHC trực tuyến doanh nghiệp đánh giá chưa cao. Nguyên nhân sự tụt hạng là do còn tình trạng ở bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thiếu trách nhiệm; thái độ phục vụ người dân và doanh nghiệp chưa tốt, phát sinh tiêu cực...
Vai trò của người đứng đầu ở một số đơn vị, địa phương chưa thật sự quyết quyết liệt trong triển khai các giải pháp, phân công, kiểm tra, đôn đốc và xử lý tiêu cực liên quan đến hoạt động doanh nghiệp; việc theo dõi kiểm tra, giám sát quá trình giải quyết TTHC đối với cán bộ, công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ chưa thật sự có hiệu quả…
Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho rằng, nguyên nhân cơ bản hiện nay tỉnh thiếu quỹ đất “sạch”. Khi doanh nghiệp muốn đầu tư, mở rộng kinh doanh phải thực hiện rất nhiều TTHC về đất đai, trong khi đó lại phải thường xuyên gặp khó khăn do cán bộ gây khó khăn, hướng dẫn không đầy đủ, phải đi lại nhiều lần.
Việc cải thiện chỉ số PCI đã được Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh họp và đặt ra yêu cầu trong thời gian tới. Trong đó đòi hỏi chính quyền minh bạch, cán bộ công chức tận tâm, trách nhiệm với tinh thần “đồng hành cùng doanh nghiệp”. Đội ngũ cán bộ, công chức phải thay đổi mạnh mẽ về thái độ, trách nhiệm, tác phong thực hiện công vụ; giao tiếp với người dân và doanh nghiệp trên tinh thần “hỗ trợ - lắng nghe - thân thiện - nhiệt tình”.
Yêu cầu cũng đặt ra đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là các vấn đề liên quan đến đất đai, lao động, thuế, TTHC. Sở Nội vụ và các ngành liên quan quan tâm đến lựa chọn và bồi dưỡng đạo đức công vụ của cán bộ trực tiếp làm công tác giải quyết TTHC. Các ngành, địa phương thường xuyên phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh để tăng cường tuyên truyền tới doanh nghiệp; đối thoại với doanh nghiệp để nắm bắt phản ánh của doanh nghiệp, chú trọng nâng cao phản hồi thông tin…
Gửi phản hồi
In bài viết