Cầu nối sản xuất với tiêu dùng

- Tỉnh ta hiện có 79 sản phẩm OCOP và hàng trăm sản phẩm “tiền” OCOP được các địa phương xác định. Các sản phẩm này đều có chất lượng tốt, được người tiêu dùng ưa chuộng. Hưởng ứng phong trào “Người Tuyên Quang ưu tiên dùng nông sản Tuyên Quang” qua nhiều kênh giới thiệu, quảng bá, người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đã bắt đầu hình thành thói quen lựa chọn, sử dụng sản phẩm OCOP. Nắm bắt được xu thế này, nhiều cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đã được thành lập, góp phần quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Tín hiệu vui 

Cửa hàng của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tân Phú, tại thôn Khuân Hang, xã Hào Phú (Chiêm Hóa) là cửa hàng đầu tiên trên địa bàn huyện kinh doanh sản phẩm OCOP. Hiện nay, cửa hàng bày bán gần 100 sản phẩm OCOP của tỉnh và các tỉnh lân cận. Anh Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tân Phú cho biết, tháng 8-2021, cửa hàng được khai trương với tổng số vốn đầu tư 600 triệu đồng. Ban đầu, người tiêu dùng chưa biết đến chương trình và sản phẩm OCOP nên việc tiêu thụ khá khó khăn, hầu hết những sản phẩm tươi, như: Rau, quả đều không tiêu thụ được.  Sau này, Hợp tác xã tận dụng Internet, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, giúp người tiêu dùng tiếp cận dễ dàng hơn. Nhờ thế, sức tiêu thụ tăng lên. Đến nay, cửa hàng không chỉ tiêu thụ các sản phẩm OCOP của tỉnh mà còn giới thiệu nhiều sản phẩm OCOP của các tỉnh khác, như: Miến dong, bí thơm Bắc Kạn, thịt chua Phú Thọ. Theo anh Mạnh, các sản phẩm được bày bán đều là sản phẩm OCOP đã có chứng nhận, có sao, được gắn nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc.

Khách hàng đến mua sản phẩm OCOP tại các gian hàng bày bán sản phẩm OCOP tại Vincom Tuyên Quang.

Hiệu quả và sức lan tỏa của các gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đã được chứng minh qua những kết nối giữa người tiêu dùng với đơn vị sản xuất và khối lượng sản phẩm hàng hóa được tiêu thụ tại các cửa hàng. Vì vậy, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh hiện cũng đang đẩy mạnh việc triển khai xây dựng các gian hàng trưng bày và bán sản phẩm OCOP kết hợp với các sản phẩm nông nghiệp khác. Như huyện Chiêm Hóa, sau gian hàng tại xã Hòa Phú, huyện đã xây dựng thêm điểm bán hàng OCOP tại tổ dân phố Vĩnh Lim, thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa).

Để hỗ trợ sản phẩm OCOP bắt nhịp với thị trường, đến gần hơn với người tiêu dùng, tỉnh đã triển khai hỗ trợ xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của các huyện, thành phố trong tỉnh tại Vincom Tuyên Quang với 10 gian hàng trưng bày, bán các sản phẩm OCOP của tỉnh. Thông qua các cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, người tiêu dùng được lựa chọn những sản phẩm tiêu chuẩn, chất lượng, đại diện cho những sản phẩm ưu thế của địa phương. Chị Nguyễn Thị Hải, tổ 17, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) cho biết, lâu nay gia đình vẫn sử dụng một số loại sản phẩm gạo, bún khô, bánh gai, rau sạch... truyền thống. Song, không nhận biết được đâu là sản phẩm của cơ sở sản xuất được cơ quan chuyên môn công nhận. Thông qua các cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP, người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng cao. Hiện tại, gia đình đã chuyển sang sử dụng sản phẩm, mang thương hiệu OCOP, đây đều là các sản phẩm của tỉnh.

Vẫn thiếu các điểm bán hàng

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh, việc trưng bày, giới thiệu và quảng bá sản phẩm là hoạt động rất quan trọng đối với việc quảng bá các sản phẩm OCOP. Thời gian qua các địa phương đang quá chú trọng việc phát triển các sản phẩm OCOP mới mà thiếu đầu tư vào các sản phẩm đã chứng nhận dẫn tới việc đầu tư dàn trải, hiệu quả chưa cao. Hiện trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 5 cơ sở chuyên bày bán các sản phẩm OCOP, trong đó thành phố Tuyên Quang 3 điểm và huyện Chiêm Hóa 2 điểm, còn lại các huyện khác chưa có điểm bày bán các sản phẩm OCOP.

Khách hàng mua sản phẩm tại các gian hàng bày bán sản phẩm OCOP của HTX Nông nghiệp và Dịnh Vụ Tân Phú (Chiêm Hóa)
thu hút khách hàng.

 

Nghị quyết 03/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025 hỗ trợ điểm bày bán các sản phẩm OCOP từ 100 - 200 triệu đồng/điểm. Đây như một cơ hội để các huyện xây dựng điểm bày bán các sản phẩm OCOP. Cùng với đó,  thông qua các lễ hội, hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh các chủ thể kinh tế được mời tham dự để quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm. Tuy nhiên, số lượng còn rất ít và số sản phẩm tham gia. Cùng với đó do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến một số địa phương chưa mạnh dạn đầu tư các điểm bày bán sản phẩm OCOP.

Đồng chí Ngô Tuyết Nhung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, để nâng cao hiệu quả trong kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, đối với các chủ thể kinh tế, cần tập trung kiện toàn bộ máy, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, bộ phận để hoạt động hiệu quả; xây dựng các liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bền vững; mở rộng vùng nguyên liệu; tăng cường chuyển đổi số trong hoạt động quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm…

Để sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh vươn xa, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh khuyến khích các địa phương hoàn thiện chương trình OCOP. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, thương hiệu nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất để tạo ra thêm nhiều sản phẩm OCOP có chất lượng nhằm cải thiện và nâng cao đời sống cho người dân.          

Bài, ảnh: Cao Huy

Tin cùng chuyên mục