Trong những năm qua, việc thực hiện chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng trên địa bàn đã được cấp ủy và các cấp chính quyền tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện. Hiện nay, toàn tỉnh đang thực hiện chi trả chế độ trợ cấp ưu đãi hàng tháng đối với trên 7.000 người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng.
Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đều tổ chức đưa người có công với cách mạng đi điều dưỡng tập trung tại Trung tâm Điều dưỡng người có công của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; tổ chức đo khám dụng cụ chỉnh hình cho các thương, bệnh binh. Qua đó, góp phần nâng cao sức khỏe cho thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng. Ông Ma Doãn Thắng, thương binh hạng 1/4 ở phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) cho biết, những chuyến đi điều dưỡng thật ý nghĩa vì vừa giúp ông được phục hồi sức khỏe với chế độ chăm sóc đặc biệt, vừa tạo là cơ hội để ông được gặp và chuyện trò với những người đồng đội từng một thời cùng chung chiến hào. Ai cũng vui mừng, phấn khởi vì đã nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành. Đây là nguồn động viên lớn lao để thương, bệnh binh tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong cuộc sống.
Cán bộ, bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám bệnh cho người có công trên địa bàn thành phố Tuyên Quang.
Vào các dịp lễ, Tết việc tổ chức hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng đã trở thành một nét đẹp tô thắm truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Ngoài ngân sách của Trung ương, ngân sách của tỉnh đã chi trung bình trên 2,7 tỷ đồng/năm cho hoạt động này. Mới đây, tại Kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 - 2026, dự thảo Nghị quyết Quy định đối tượng và mức chi thăm hỏi, tặng quà người có công với cách mạng và gia đình người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã được thông qua với mức chi từ ngân sách tỉnh tăng bình quân 3,3 lần so với mức chi hiện nay.
Cùng với các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, việc huy động, bố trí nguồn lực hỗ trợ sửa chữa, làm nhà ở cho người có công luôn được coi là giải pháp quan trọng giúp các gia đình chính sách vươn lên. Chỉ tính trong năm 2021, toàn tỉnh đã huy động các nguồn lực từ xã hội hóa và từ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa các cấp hỗ trợ làm mới và sửa chữa 139 nhà ở cho người có công với cách mạng với số tiền 4,2 tỷ đồng. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó tổng Giám đốc Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang cho biết, đơn vị đã hỗ trơ 100 triệu đồng để làm mới, sửa chữa nhà ở cho các gia đình người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh. Công ty coi đây là việc làm hết sức ý nghĩa, là trách nhiệm nhằm tri ân những người đã không tiếc máu xương để bảo vệ Tổ quốc, cho mỗi người dân có được cuộc sống hòa bình, ổn định như hôm nay.
Trong thời gian qua, cấp ủy Đảng, chính quyền các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn đã tổ chức đón nhận hài cốt liệt sỹ di chuyển hài cốt liệt sỹ an táng tại các nghĩa trang liệt sỹ trong nước về an táng tại các nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn tỉnh trang trọng, chu đáo theo đúng quy định. Cùng với đó tỉnh đã đẩy mạnh công tác tu bổ, tôn tạo, xây dựng các công trình nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn ngày càng trang nghiêm, sạch đẹp để thân nhân các gia đình liệt sỹ đến thắp hương, tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ. Bên cạnh đó, việc triển khai hiệu quả Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, huy động mọi nguồn lực xã hội để chăm lo cho các đối tượng chính sách đã giúp hầu hết các đối tượng chính sách trên địa bàn có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú.
Được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, gia đình thương binh Âu Quang Trung ở thôn 25, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang)
đã hoàn thành ngôi nhà mới khang trang.
Nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân đối với công tác tri ân, chăm sóc gia đình chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đang tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động ý nghĩa như ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa các cấp; nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và đỡ đầu con liệt sỹ, con thương binh, bệnh binh nặng; tăng cường thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình chính sách về mọi mặt...
Có thể nói, việc chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Đây là trách nhiệm, tình cảm của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Từ những việc làm cụ thể, thiết thực đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, góp phần bồi đắp truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.
Gửi phản hồi
In bài viết