Đồng chí Phạm Thị Nhị Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, hiện nay toàn huyện có 945 giáo viên mầm non trực tiếp đứng lớp, trong đó có 926 giáo viên công lập và 19 giáo viên ngoài công lập. Năm học 2020 - 2021, huyện có 34 trường mầm non công lập với 162 điểm trường; 1 trường mầm non tư thục và 5 nhóm trẻ ngoài công lập. Huyện được giao kế hoạch tăng tỷ lệ trẻ đi nhà trẻ là 2.424 trẻ chiếm 31,6% kế hoạch. Tính đến nay, huyện đã huy động được 2.969/7.943 trẻ, tỷ lệ huy động đạt 37,4%. Tổng số trẻ nhà trẻ ngoài công lập là 144 trẻ chiếm tỷ lệ 4,9%. So với mục tiêu kế hoạch tăng 5,8%; so với thời điểm trước khi thực hiện Nghị quyết tăng 24,8%.
Một giờ học ngoài trời của các cháu trường Mầm non Tân Trào (Sơn Dương).
Để có được kết quả trên, UBND huyện đã chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo huyện đẩy mạnh các giải pháp như: Tăng nguồn lực đầu tư cho giáo dục mầm non, bố trí sắp xếp hệ thống trường, lớp, đội ngũ giáo viên phù hợp; thực hiện chăm sóc, giáo dục theo chương trình giáo dục mầm non để giúp trẻ phát triển tốt về thể chất, trí tuệ và những yếu tố đầu tiên về nhân cách; rà soát, thống kê số lượng trẻ trong độ tuổi từ 3 - 36 tháng tuổi ở từng thôn, bản; theo dõi, lập danh sách trẻ chưa đến trường để có biện pháp huy động trẻ ra lớp kịp thời; đầu tư mua sắm trang thiết bị, đồ chơi; hỗ trợ tiền học phí, tiền ăn cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...
Trường Mầm non Tân Trào là một trong những trường thuộc địa bàn các xã ATK của huyện thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 73 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về huy động trẻ đi nhà trẻ. Năm học 2020 - 2021, trường huy động được 4 nhóm với 88/193 trẻ, đạt 45,6% kế hoạch, tăng 5 trẻ và tăng tỷ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ 5,9% so với năm học 2019 - 2020. Cô giáo Nguyễn Mộng Thắm, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, để huy động trẻ đi nhà trẻ, trường luôn xác định, thực hiện tốt chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”. Ban giám hiệu đã thực hiện có hiệu quả công tác xã hội hóa giáo dục, sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất phù hợp nhằm đảm bảo an toàn và tạo hứng thú cho trẻ, thường xuyên cải tạo sân chơi, thư viện ngoài trời, khu vui chơi cát - nước - sỏi, khu vườn cổ tích, sân vườn để trẻ được trải nghiệm... điều này góp phần quan trọng giúp trường được phụ huynh, nhân dân và các cấp quản lý đánh giá cao, thu hút trẻ đến lớp.
Bên cạnh đó, UBND huyện cũng đã chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các trường rà soát thiết bị, đồ dùng, đồ chơi còn thiếu, đầu tư, cải tạo phòng học, các phòng chức năng, bếp ăn. Huyện thực hiện quy hoạch địa điểm mới cho 6 trường mầm non để đảm bảo diện tích, xóa điểm trường lẻ; xây dựng, tu sửa, mua sắm trang thiết bị đáp ứng điều kiện huy động trẻ đi nhà trẻ. Năm 2020, huyện đã mua sắm thiết bị cho 9 trường xây dựng chuẩn quốc gia trị giá trên 3,2 tỷ đồng; cấp trên 1,1 tỷ đồng hỗ trợ cho các xã, thị trấn kết hợp với kinh phí xã hội hóa xây dựng 4 công trình vệ sinh, 2 công trình nước sạch, sửa chữa 23 phòng học, 14 mái nhà, làm mới 15 trần nhà, lát 11 nền nhà và 9 bếp ăn cơ bản đáp ứng nhu cầu cơ sở vật chất cho việc huy động trẻ.
Năm học 2019 - 2020, trường Mầm non Hoa Sen, thị trấn Sơn Dương được huyện đầu tư xây dựng với tổng trị giá trên 33 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách huyện. Trường có diện tích trên 6.000 m2, 20 phòng học và các phòng chức năng. Cô giáo Trần Thị Thu Hương, Hiệu trưởng trường Mầm non Hoa Sen nói, trước đây các em trong độ tuổi mầm non của thị trấn phải học ở rất nhiều điểm trường đặt tại nhà văn hóa các tổ dân phố nên phòng học nhỏ hẹp, thiếu trang thiết bị, đồ chơi cho trẻ... Cũng vì thiếu phòng học nên các em phải học ghép lớp, gây nhiều khó khăn trong việc chăm sóc và dạy trẻ. Với điều kiện cơ sở vật chất khang trang như hiện nay trường đã huy động 105/252 trẻ đạt 42% kế hoạch; 100% trẻ được bảo đảm an toàn về thể chất, tinh thần và được khám sức khỏe định kỳ; tỷ lệ trẻ đi học chuyên cần đạt trên 100%, tỷ lệ trẻ phát triển tốt hơn 97%...
Đồng chí Nguyễn Thị Xuân, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết, để duy trì hiệu quả và tăng tỷ lệ trẻ đi nhà trẻ trên địa bàn huyện, thời gian tới, Phòng sẽ tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc duy trì sĩ số trẻ và tình hình huy động trẻ tại các xã, thị trấn; tiếp tục dồn ghép các điểm trường lẻ, sắp xếp lại các nhóm, lớp; bố trí hợp lý số giáo viên hiện có để đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Bên cạnh đó, có cơ chế, chính sách hỗ trợ học phí và ăn trưa cho các cháu từ 3 đến dưới 36 tháng tuổi... nhằm thu hút, huy động trẻ ra lớp đạt mục tiêu đề ra.
Với những kết quả đạt được, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Dương đang tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non và nâng cao tỷ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ trong thời gian tới.
Gửi phản hồi
In bài viết