Không khí lạnh bao trùm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của người dân. Đặc biệt người già và trẻ nhỏ là những đối tượng nhạy cảm, dễ mắc bệnh khi thay đổi thời tiết cần được quan tâm, chăm sóc đặc biệt.
Trước tình hình thời tiết khắc nghiệt, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 190/SGDĐT-GDPT ngày 20-2-2022 về quy định nghỉ học, đảm bảo sức khỏe và phòng chống rét cho học sinh. Theo đó, căn cứ vào tình hình thời tiết, các trường học chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn. Thủ trưởng các đơn vị được phép quyết định cho học sinh mầm non, tiểu học nghỉ học khi nhiệt độ ngoài trời từ 10 độ C trở xuống, học sinh THCS nghỉ học khi nhiệt độ ngoài trời từ 7 độ C trở xuống.
Tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT Hàm Yên, hoạt động chăm sóc sức khỏe cho các em học sinh trong thời tiết giá rét được các thầy cô giáo đặc biệt quan tâm. Em Hoàng Thị Hải Yến, lớp 8B cho biết, chúng em được các thầy cô chuẩn bị đầy đủ chăn, nước ấm tại phòng ở bán trú. Các thầy cô cũng nhắc nhở chúng em mặc nhiều lớp áo để giữ ấm cơ thể, uống nước ấm, ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và thường xuyên đeo khẩu trang để phòng chống Covid-19 cũng như các bệnh mùa đông.
Đối với các huyện vùng cao như Na Hang, Lâm Bình, các trường học luôn chủ động các biện pháp phòng chống rét cho học sinh. Cô giáo Ma Thị Niềm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình An, xã Bình An (Lâm Bình) chia sẻ, để phòng chống giá rét cho học sinh, nhà trường thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết để lên phương án ứng phó phù hợp. Cùng với việc đảm bảo các phòng học kín gió, đủ ánh sáng nhà trường cũng trang bị đầy đủ thuốc sơ cứu khi các em không may bị cảm lạnh. Ngoài ra, các thầy cô giáo cũng tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở các bậc phụ huynh luôn mặc cho con đủ ấm, ăn uống đầy đủ dưỡng chất để tăng sức đề kháng, đảm bảo sức khỏe để học tập.
Ngoài trẻ em, người già cũng là đối tượng dễ bị ảnh hưởng khi thời tiết thay đổi. Theo các bác sỹ Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, một số bệnh người già thường hay gặp phải khi trời giá rét đó là viêm phổi, cảm lạnh, cảm cúm… Nhiệt độ quá thấp cũng khiến các bệnh mãn tính như hen suyễn, phổi tắc nghẽn mãn tính ở người già tiến triển nặng. Đặc biệt nguy hiểm hơn đó là bệnh tăng huyết áp có thể dẫn đến đột quỵ nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời.
Bà Phạm Thị Hạnh, người cao tuổi tổ 17, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) tâm sự, hằng ngày bà vẫn rủ một vài hội viên trong tổ dân phố đi bộ thể dục, nâng cao sức khỏe. Thế nhưng do trời trở rét đột ngột, nhiệt độ sáng sớm và đêm xuống thấp nên bà khuyên mọi người không nên ra đường quá sớm, tránh nhiễm lạnh đột ngột gây đột quỵ. Bà cũng thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, ăn uống điều độ, bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất để tăng sức đề kháng.
Tại các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, việc chủ động phòng chống rét cũng được đặc biệt quan tâm. Ông Vũ Văn Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Năng Khả (Na Hang) cho biết, toàn xã có trên 250 người cao tuổi. Bên cạnh việc tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19, Đảng ủy, chính quyền xã cùng lực lượng y tế địa phương cũng tuyên truyền để các gia đình bảo vệ trẻ em, người cao tuổi trong thời tiết giá lạnh. Đặc biệt, khuyến cáo người dân ăn đủ chất, bổ sung các gia vị cay như gừng, hành, tỏi, quế; giữ ấm đầu, cổ, chân; thực hiện sưởi ấm an toàn, tránh nguy cơ cháy nổ và ngộ độc khí…
Theo thông tin Khí tượng thủy văn, thời tiết rét đậm, rét hại còn tiếp tục kéo dài đến hết ngày 2-3. Để đảm bảo sức khỏe, mỗi người cần chủ động giữ ấm cơ thể, người già và trẻ nhỏ nên ở trong phòng ấm, kín gió; trẻ em cần được tiêm đủ vắc xin phòng bệnh theo quy định. Khi người già, trẻ nhỏ có dấu hiệu mắc các bệnh về đường hô hấp, các bệnh do thời tiết lạnh kéo dài gây nên cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị kịp thời.
Dưới đây là chia sẻ của Thạc sỹ, bác sỹ Phạm Việt Bách, Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Phương Bắc về cách chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh cho trẻ trong thời tiết giá lạnh.
Thạc sỹ, Bác sỹ nội trú Phạm Việt Bách, Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Phương Bắc cho biết, thời tiết rét đậm rét hại có thể khiến trẻ dễ mắc các bệnh lý về phổi, dị ứng, tiêu chảy cấp, cúm A, B... Nhiệt độ thấp cũng tạo điều kiện để dịch Covid-19 bùng phát, tỷ lệ lây nhiễm ở trẻ tăng cao đến 19,8%. Các bậc phụ huynh cần có biện pháp đảm bảo giữ ấm cho trẻ, cho trẻ uống đủ nước ấm, bổ sung chất đạm, chất xơ và vitamin trong bữa ăn hàng ngày để tăng sức đề kháng. Cần cho trẻ tiêm phòng đầy đủ. Khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh, nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để khám và chữa trị kịp thời.
Gửi phản hồi
In bài viết