Bất cập vấn đề môi trường tại các chợ

- Trên địa bàn tỉnh hiện có 99 chợ, trong đó có một chợ đầu mối, một chợ hạng 1 và ba chợ hạng 2, còn lại là chợ hạng 3. Hầu hết các chợ đều đã được cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu trao đổi, mua bán của người dân. Tuy nhiên tình trạng vứt, xả rác bừa bãi, thu gom, xử lý rác chưa triệt để gây ô nhiễm môi trường vẫn khá bất cập.

Công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường ở các chợ trung tâm xã, phường, thị trấn có nhiều chuyển biến tích cực. Rác thải trong chợ được thu gom, xử lý thường xuyên; ý thức về giữ gìn vệ sinh môi trường của các tiểu thương và người dân khi tham gia mua bán tại các chợ cũng được nâng lên đáng kể. Tại các chợ trung tâm các huyện, thành phố nơi tập trung số lượng lớn người tham gia kinh doanh, mua bán, công tác vệ sinh môi trường đã được chính quyền địa phương và ban quản lý các chợ quan tâm triển khai hiệu quả với việc thuê dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải theo ngày; quy hoạch, bố trí các khu quầy hàng, ki ốt bán hàng hợp lý, bảo đảm về mật độ hộ kinh doanh; bố trí riêng biệt khu kinh doanh, buôn bán các mặt hàng tươi sống, phát sinh nhiều chất thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, phát tán dịch bệnh cao như: thủy, hải sản, thịt tươi sống, gia cầm tươi sống... Đặc biệt, kể từ khi dịch bệnh Covid - 19 bùng phát, Ban quản lý các chợ đều tổ chức phun khử khuẩn định kỳ toàn bộ các khu vực, gian hàng trong chợ, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở người kinh doanh chú ý giữ gìn vệ sinh môi trường cũng như công tác phòng chống dịch Covid-19.

Rác thải, nước thải tràn ngập chợ tự phát trên tuyến đường ĐT 186 trên địa bàn phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang).

Trong khi công tác vệ sinh môi trường tại các chợ trung tâm xã, phường, thị trấn đã và đang được quan tâm thực hiện khá hiệu quả thì tại một số chợ tạm, chợ cóc quy mô nhỏ, chợ phiên ở các vùng nông thôn, tình trạng rác thải trong chợ vẫn chưa được xử lý triệt để do nhiều nguyên nhân như: ý thức của người tham gia kinh doanh, mua bán còn hạn chế; chợ hình thành từ nhiều năm và chưa được nâng cấp, cải tạo nên hệ thống thoát nước chưa bảo đảm, nhất là vào mùa mưa; đội ngũ cán bộ quản lý chợ thiếu kiến thức, chưa được đào tạo nghiệp vụ nên công tác quản lý chợ còn hạn chế, một số chợ tạm, chợ tự phát…

Đơn cử như tại tuyến đường ĐT 186 qua địa phận tổ 4, phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) nhiều năm qua đã hình thành chợ tự phát, người dân chiếm dụng lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, mua bán, tình trạng rác thải vứt bừa bãi tại rãnh thoát nước, ven đường… Mùi hôi thối bốc ra từ những rãnh thoát nước ứ đọng, các loại hoa quả hỏng, đồ nhựa, bìa cát tông, túi nilon các loại… vương vãi khắp khu vực ven đường bờ mương. Ông Nguyễn Mạnh Cường, tổ 9, phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) bức xúc, gia đình có vườn trồng đào, cây ăn quả tại tổ 4 nằm ngay tại điểm người dân thường xuyên họp chợ, rác thải đủ các loại được người mua bán xả trực tiếp ra môi trường từ vườn cây, cống thoát nước bất chấp biển báo cấm họp chợ được cắm ngay gần đó.

Mặc dù gia đình ông Cường đã nhắc nhở người dân không ngồi bán hàng trên phần đất của gia đình, xả rác thải nhưng tình trạng vẫn tiếp diễn. Trước đó điểm chợ tự phát này từng là điểm nóng của dịch Covid-19, chỉ trước đó 2 tháng, qua test nhanh các trường hợp bán hàng tại chợ tạm này đã phát hiện hơn 20 ca nhiễm Covid-19. Không chỉ phát sinh tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm mà tại khu chợ tự phát này còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông do đây là tuyến đường dẫn vào Cụm công nghiệp Long Bình An với nhiều công ty, nhà máy, lượng người và phương tiện qua lại đông. Phường Đội Cấn cũng đã quyết liệt thực hiện các giải pháp giải tỏa điểm chợ từ tự phát này nhưng tình trạng họp chợ lấn chiếm lòng lề đường vẫn tiếp diễn.

Tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm; rác thải xả bừa bãi ra môi trường đang là “vấn nạn” xảy ra tại các chợ phiên tại các xã vùng sâu, vùng xa. Có mặt tại chợ phiên Tân An, xã Đông Thọ (Sơn Dương), chợ được đầu tư xây dựng từ lâu, nhiều hạng mục đã xuống cấp, chợ không có bàn bày bán thực phẩm tươi sống, các tiểu thương đến đây chủ yếu dùng phản, bạt, lá cây… bày bán thực phẩm tươi sống như cá, thịt, tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với đó rác thải không có nơi tập kết quy định được người dân xả ra quanh chợ, công tác vệ sinh, vận chuyển rác thải chưa được thường xuyên, liên tục gây mất vệ sinh môi trường.

Vấn đề ô nhiễm môi trường tại các khu vực chợ đã và đang trở thành mối lo về mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng. Để khắc phục tình trạng này, bên cạnh công tác quản lý của chính quyền địa phương và ngành chức năng, người tham gia buôn bán, kinh doanh trong chợ cũng cần nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo vệ môi trường chung. Đặc biệt, các quầy bán hàng thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến cần trang bị đầy đủ dụng cụ che chắn, bảo quản thực phẩm nhằm bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển thương mại với bảo vệ môi trường, góp phần thúc đẩy hoạt động giao thương, mua bán theo hướng văn minh, hiện đại.            

  Bài, ảnh: Cao Huy

Tin cùng chuyên mục