Tại công văn này, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, thời gian qua, Bộ nhận được nhiều thông tin phản ánh về việc có một số cơ quan báo chí, trong đó chủ yếu là tạp chí thuộc các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp lợi dụng danh nghĩa báo chí để hoạt động trái pháp luật, sách nhiễu cơ quan, doanh nghiệp địa phương.
Một số cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên, cộng tác viên có hành vi vượt quá chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn với nhiều cách thức gây phiền hà. Đặc biệt, có hiện tượng một số nhà báo, phóng viên, cộng tác viên lợi dụng việc nắm được những thông tin nội bộ một chiều, chưa được kiểm chứng về những tồn tại, sai sót của cơ quan, doanh nghiệp, địa phương để gợi ý, gây sức ép, thậm chí là đe dọa để sau đó đề nghị ký hợp đồng truyền thông, quảng cáo vòi vĩnh cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân.
Đây là những hoạt động thiếu chuẩn mực, có dấu hiệu vi phạm đạo đức nghề nghiệp, trái quy định pháp luật; ảnh hưởng đến hoạt động hợp pháp và gây bức xúc cho cơ quan, doanh nghiệp địa phương; làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín, hình ảnh của những cơ quan báo chí, người làm báo chân chính. Hiện tượng này đã tồn tại âm ỉ một thời gian, nhưng gần đây có chiều hướng gia tăng, biến tướng phức tạp.
Một phần nguyên nhân là do sự suy thoái, yếu kém về đạo đức; sự buông lỏng quản lý, giáo dục của cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí; lãnh đạo cơ quan báo chí thiếu kiểm soát. Bên cạnh đó, không loại trừ nguyên nhân một số lãnh đạo cơ quan báo chí tạo sức ép về làm kinh tế, thậm chí là giao, khoán chỉ tiêu doanh thu, quảng cáo… từ đó làm ngơ, dung túng để những việc làm nhũng nhiễu nêu trên diễn ra.
Do vậy, thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về báo chí theo quy định. Với những vụ việc phức tạp, có dấu hiệu vi phạm hình sự, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chuyển, phối hợp với cơ quan chức năng xem xét, xử lý.
Nhằm góp phần chấn chỉnh, hạn chế triệt để tình trạng nhức nhối nêu trên, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị trực thuộc phối hợp, cung cấp, minh bạch thông tin, bảo đảm quyền được thông tin của cơ quan báo chí.
Đồng thời, hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trường hợp phát hiện dấu hiệu lợi dụng danh nghĩa báo chí, để hoạt động trái pháp luật hoặc có hiện tượng sách nhiễu, lưu lại bằng chứng, kịp thời báo cho cơ quan chức năng của địa phương xử lý nghiêm theo quy định và báo cáo kết quả xử lý để Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam có biện pháp chấn chỉnh hoạt động của cơ quan báo chí.
Cơ quan chủ quản báo chí quan tâm, chỉ đạo cơ quan báo chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; thường xuyên kiểm tra, giám sát; kiểm điểm, xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí nếu cơ quan báo chí bị xử lý vi phạm hoặc để nhà báo, phóng viên, cộng tác viên vi phạm quy định pháp luật. Không áp đặt nghĩa vụ tài chính đối với cơ quan báo chí trực thuộc trái quy định pháp luật.
Người đứng đầu cơ quan báo chí tăng cường kỷ luật, kỷ cương thông tin và quản lý nhà báo, phóng viên, cộng tác viên; thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép. Khi yêu cầu cung cấp thông tin hoặc cấp giấy giới thiệu, nội dung phải phù hợp với tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép; giấy giới thiệu phải ghi rõ làm việc với cơ quan, tổ chức nào, nội dung gì, thời gian cụ thể. Không cấp giấy giới thiệu cho người không phải phóng viên cơ quan báo chí; không cấp giấy giới thiệu cho cộng tác viên nhưng ghi chức danh phóng viên.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam chỉ đạo các hội nhà báo cấp tỉnh, các liên chi hội, chi hội nhà báo theo dõi, giám sát, kiểm tra và kết luận rõ ràng đối với người làm báo vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp, quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo để làm cơ sở xử lý tiếp theo.
Gửi phản hồi
In bài viết