Chắp cánh giấc mơ đưa opera đến gần với khán giả

Nghệ thuật cổ điển, trong đó có opera thường gặp khó khăn khi tiếp cận khán giả đại chúng. Với Hà My và Đức Tùng, một trong những ước mơ mà hai nghệ sĩ trẻ thường đau đáu là làm sao đưa được bộ môn nghệ thuật mình yêu thích đến gần với công chúng hơn. Và đêm nhạc "Insieme" cuối tháng 11 vừa qua là “bậc thang” mới nhất để họ chạm tay tới ước mơ của mình.

Nghệ sĩ Hà My trong đêm diễn. (Ảnh: Ban tổ chức cung cấp)

Lối rẽ sang cổ điển

Đối với Hà My, đến với cổ điển như một cái duyên, và dường như chính là cổ điển chọn cô. Ban đầu, cô “chạm ngõ” âm nhạc bằng niềm yêu thích dành cho nhạc nhẹ và nhạc dân gian. Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, cô quyết định học tiếp tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, nơi cô lần đầu tiên tiếp xúc với nhạc cổ điển.

“Trước đây tôi học ở Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, thời điểm đó tôi chưa thích cũng như không dành nhiều sự quan tâm cho cổ điển, mà chỉ hát nhạc nhẹ, nhạc dân gian…., những loại hình dễ đi biểu diễn ở ngoài. Nhưng sau một thời gian sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, tôi quyết định học tiếp lên đại học” - Hà My kể.

Khi bắt đầu sang nhập học ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, cô đã nhiều lần nghe các anh chị ở khóa trên tập bài. Và như thể “có duyên”, vừa nghe cô đã bị opera “hút hồn”. Với Hà My, sao âm thanh mà các anh chị tập lại vang, rộng như thế, nghe hay như thế. Và Hà My đã đi lên phòng tập để nghe mọi người hát. Nhiều lần đi nghe như vậy, opera đã ngấm vào trong cô, và cô ngày càng dành nhiều tình cảm cho bộ môn nghệ thuật này.

“Khi đó, tôi quyết định tìm hiểu về opera, càng tìm hiểu sâu càng thích, và quyết tâm sẽ theo đuổi con đường này, mặc dù biết rằng nhạc cổ điển ở Việt Nam còn rất nhiều khó khăn, các show diễn rất ít, không đi hát đại trà được, và thu nhập cho ca sĩ rất ít. Thế nhưng khi yêu thực sự thì khó mà có có thể nghe được nhạc khác nữa” – Hà My chia sẻ.

Từ đó, cô đổ công sức tập luyện, quyết tâm học bằng được, vừa tập vừa học hỏi thêm tất cả các thầy cô. Và Hà My đã tìm ra được con đường riêng, một giọng riêng của mình để phát triển. Giọng của Hà My, theo như nhận xét của các giáo viên, là chất giọng dày, vang, khỏe, khá hiếm trong làng opera. Để có được chất giọng này, không chỉ phải có tài năng thiên phú, mà còn phải trau dồi rất kỹ về mặt kỹ thuật và có sự bồi đắp của các thầy cô.

Với Hà My, không phải mọi thứ đều dễ dàng. “Nhiều lúc thấy khó quá, thậm chí tôi còn có ý định bỏ nghề, nhưng cho đến bây giờ vẫn giữ niềm yêu thích và theo đuổi đối với opera. Điều này rất khó lý giải nhưng có lẽ tất cả là do tình yêu, cho nên tôi vẫn đi cùng nhạc cổ điển đến bây giờ và sẽ tiếp tục với nó” - nữ nghệ sĩ nói.

Với mỗi nghệ sĩ opera, thực hiện một concert của riêng mình là mơ ước, không phải dễ dàng thực hiện, bởi yếu tố kén khán giả, kén sân khấu và thiết bị âm thanh, kỹ thuật của loại hình này. Và Hà My đã quyết tâm thực hiện ước mơ ấy với sự đồng hành của rất nhiều bạn bè, những người yêu mến và hết lòng với nghệ thuật opera.

Cuối tháng 11 vừa qua, concert mang tên "Insieme" (Cùng nhau) của hai nghệ sĩ opera Hà My, Đức Tùng và nghệ sĩ piano Công Minh đã diễn ra tại Phòng hòa nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Đây là lần đầu tiên hai nghệ sĩ cùng nhau tổ chức một buổi hòa nhạc có sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại trong trình diễn.

"Insieme" là đêm nhạc kỷ niệm 100 năm ngày mất của nhà soạn nhạc Giacomo Puccini, người được mệnh danh là vua của trường phái Verismo. Đây cũng là dịp để Hà My thử thách mình trong những tác phẩm khó của ông. Hà My cho biết, cô thấy giọng mình phù hợp với trường phái của Giacomo Puccini. “Trong tất cả các tác phẩm đều có những cao trào rất mãnh liệt, thể hiện rất chân thực cảm cảm xúc của nhân vật, thậm chí nhiều khi không hát nữa mà là những câu mà mình hét lên để thể hiện cảm xúc của mình. Các tác phẩm theo trường phái này sẽ tự do hơn và làm sao để lột tả được cảm xúc của nhân vật nhất. Còn với những trường phái khác như âm nhạc của Mozart thì tươi mới hơn, nhẹ nhàng hơn và trong trẻo. Tôi thấy giọng mình phù hợp với Verismo".

Đêm diễn nhận được nhiều tình cảm từ khán giả.

Đêm nhạc của Hà My và Đức Tùng đã nhận được những phản ứng tích cực của nhiều khán giả. Chìm trong không gian chỉ có âm nhạc, PGS. TS Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chia sẻ rằng, khi nghe nhạc cổ điển trong khán phòng tiêu chuẩn của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam càng cảm nhận rõ hơn giá trị nhân văn sâu sắc của loại hình âm nhạc bác học này. Ông cũng cho rằng cần phải mở ra nhiều cơ hội hơn nữa để công chúng Việt Nam tiếp cận với âm nhạc cổ điển.

"Những buổi biểu diễn của 2 nghệ sĩ Hà My và Đức Tùng như thế này có tác động rất lớn đến giáo dục nâng cao cảm thụ âm nhạc nói riêng và thẩm mỹ, tinh thần nhân văn nói chung. Vì thế rất cần được khuyến khích để công chúng, đặc biệt là giới trẻ thêm hiểu thêm yêu nhạc cổ điển. Tôi mong Học viện Âm nhạc Quốc gia ủng hộ, tạo điều kiện để cho các nghệ sĩ trẻ để họ lan tỏa những giá trị tuyệt vời của nhạc cổ điển” - PGS.TS Đào Duy Quát kỳ vọng.

Với phụ đề tiếng Việt trình chiếu phông nền bằng máy chiếu 3D mapping cho từng trích đoạn, recital "Insieme" (Cùng nhau) các nghệ sĩ trẻ đã không chỉ cùng nhau nhau biểu diễn, cùng nhau truyền đi bức thông điệp nhân văn mà còn khiến khán giả cùng nhau hiểu thêm về những giá trị sâu sắc của opera cổ điển.

Mỗi khán giả đến với khán phòng của "Insieme" đều thu nhận được những cảm xúc đặc biệt của riêng mình. Bà Phan Thanh Hương, một cán bộ công tác trong ngành giáo dục đã nghỉ hưu cho biết, đây là cơ hội hiếm hoi được nghe trực tiếp dòng nhạc này: “Một chương trình rất hay và cảm động. Âm nhạc, ca từ cùng những trích đoạn vở opera chạm đến trái tim người xem, người nghe, nó mang lại cho tôi những năng lượng tích cực. Tôi mong những buổi biểu diễn như thế này được tổ chức nhiều hơn nữa để tôi và nhiều người khác có cơ hội thưởng thức và cảm thụ”.

Một tín hiệu rất vui là recital "Insieme" còn được đón rất nhiều các bạn trẻ tới theo dõi và cảm nhận tại khán phòng. Phạm Xuân Tiến, sinh viên Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết, trước đây thường nghĩ rằng dòng nhạc cổ điển là dòng nhạc khó hiểu và cao xa so với mình. Nhưng sau khi được anh trai truyền cảm hứng nên gần đây đã dành sự quan tâm đến dòng nhạc này. Càng tìm hiểu Xuân Tiến càng thấy những điều thú vị từ dòng nhạc này mà từ trước đến nay chưa cảm nhận được và khi vào các nhóm cùng chung đam mê mới thấy rất nhiều người trẻ như Tiến cùng tham gia tìm hiểu.

“Hôm nay đến đây được nghe các nghệ sĩ hát trong một khán phòng tiêu chuẩn quốc tế của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho tôi cảm xúc rất đặc biệt, có những đoạn khi chìm trong những âm hưởng của opera tôi như tưởng tượng được ra khung cảnh của những nhân vật trong vở nhạc kịch dù họ ở đầu thế kỷ 20. Tôi đã nghe và cảm nhận đến những ca từ cuối cùng của buổi biểu diễn” - Phạm Xuân Tiến chia sẻ.

Với "Insieme", những nghệ sĩ yêu cổ điển như Hà My và Đức Tùng đã thực sự chạm tay được tới ước mơ của mình, là bay bổng trong một không gian sáng tạo nghệ thuật, và đưa không gian ấy đến gần hơn với đông đảo công chúng.

Theo Baonhandan

Tin cùng chuyên mục