Hai dịch giả cuốn “Nghệ thuật An Nam”. (Ảnh: MAI LỮ)
“Nghệ thuật An Nam” là một cuốn sách lịch sử của tác giả Louis Bezacier (1906-1966), một nhà nghiên cứu nghệ thuật người Pháp. Sách được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1944 và được dịch ra nhiều thứ tiếng. Sách cung cấp một cái nhìn toàn diện về nghệ thuật Việt Nam từ thời tiền sử đến hiện đại. Sách là một tài liệu quan trọng cho những ai muốn tìm hiểu về nghệ thuật Việt Nam, cung cấp một cái nhìn toàn diện và có hệ thống về lịch sử nghệ thuật của Việt Nam.
Sách viết một cách dễ hiểu giúp người đọc hiểu rõ hơn về những tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp của Việt Nam.
Khi thực hiện cuốn sách, Louis Bezacier tự nhận thức rằng công việc mà ông làm là nhặt nhạnh từng hạt ngọc, so sánh, đối chiếu, giám định, khảo tả, và phân tích, rồi tổng hợp lại để tạo nên chuỗi vòng nghệ thuật An Nam. Đó là chuỗi vòng có 11 thế kỷ tồn tại.
Louis Bezacier trình bày lịch sử nghệ thuật Việt Nam một cách mạch lạc và dễ hiểu. Ông đã phân chia lịch sử nghệ thuật Việt Nam thành các giai đoạn khác nhau và ông đã chỉ ra những đặc điểm nổi bật của mỗi giai đoạn.
Đặc biệt, ông phản đối cách nhìn nhận thành kiến và nhầm lẫn giữa nghệ thuật Việt Nam với nghệ thuật Trung Quốc. Là nhà nghiên cứu phương Tây, khi nhận định về mỹ thuật Việt Nam, bạn đọc sẽ thấy quan điểm khách quan, khác biệt của Louis Bezacier trong cuốn sách “Nghệ thuật An Nam” qua cách so sánh, đối chiếu các chi tiết nhỏ của kiến trúc tôn giáo, nghệ thuật lăng mộ, đền chùa. Cuốn sách cung cấp nguồn tư liệu nghiên cứu quý giá cho những ai muốn tìm hiểu về nghệ thuật An Nam, cách thiết đặt nền móng nghiên cứu về nghệ thuật Việt Nam một cách bài bản với những minh chứng nhằm biện luận rằng, nghệ thuật truyền thống thẩm mỹ rực rỡ, huy hoàng của người An Nam từ ngàn xưa là một nền nghệ thuật độc lập, đậm đà bản sắc dân tộc và thuần Việt.
Tác giả Mai Yên Thi (sinh năm 1994) bày tỏ sự xúc động khi tác phẩm dịch của chị và tác giả Trang Thanh Hiền mang tên "Nghệ thuật An Nam" (Nhà xuất bản Mỹ thuật) do Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Trường Phương in ấn, phát hành đoạt giải C.
"Đây là lần đầu tiên tôi tham dự Giải thưởng Sách quốc gia và thật vinh dự đã đoạt giải. Phần thưởng lớn này tạo động lực rất nhiều cho tôi để tiếp tục lao động. Chúng tôi đặc biệt cảm ơn đơn vị in ấn, phát hành sách đã chăm sóc chu đáo cả nội dung và hình thức cho tác phẩm", nữ tác giả bày tỏ.
Louis Bezacier theo học tại Trường Mỹ thuật Paris từ năm 1926 và tham gia các tiết học về kiến trúc tại xưởng Defrasse-Madeline từ 1931-1932. Ông đến Hà Nội ngày 3/10/1935, đảm nhiệm vai trò bảo tồn các công trình ở Bắc Kỳ, rồi ở miền trung Việt Nam, khu vực địa lý rộng hơn Bắc Kỳ tính thêm cả phần lớn lãnh thổ vương quốc Champa cũ.
Ngay khi đến Việt Nam, Louis Bezacier đã tiến hành công tác tu bổ một trong những công trình đẹp nhất Bắc Kỳ là chùa Ninh Phúc (hay còn gọi là chùa Bút Tháp), ở tỉnh Bắc Ninh. Ông cũng thực hiện các cuộc khai quật nhằm tìm ra dấu vết của các công trình trước đó. Đến năm 1945, ông dành phần lớn thời gian và tâm huyết cho kiến trúc dân sự và tôn giáo cổ như chùa, lăng mộ, di tích cung điện triều Lê, cầu có mái che… ở châu thổ sông Hồng và tỉnh Thanh Hóa.
Louis Bezacier cũng tu bổ một phù đồ gạch ở Bình Sơn, tỉnh Vĩnh Yên, có từ thế kỷ 11. Ông chính là người xác định được một phong cách mới: nghệ thuật Đại La (thế kỷ 11-12). Ngoài ra, Louis Bezacier còn chịu trách nhiệm tu bổ nhiều công trình Champa ở khu di tích Lý Sơn.
Louis Bezacier cũng là tác giả của một số tác phẩm tiêu biểu như “Kiến trúc tôn giáo ở Bắc Kỳ” (1938), “Nghệ thuật và các công trình quân sự An Nam” (1941), “Điện thờ Phật giáo trong các chùa ở Bắc Kỳ” (1943), “Tiểu luận về nghệ thuật An Nam” (1943), “Nghệ thuật Việt Nam” (1955).
Gửi phản hồi
In bài viết