“Chất thép” của nữ trưởng thôn

Từ khi bà Nguyễn Thị Đoan tham gia cấp ủy, rồi đảm nhận vai trò Phó Bí thư chi bộ, Trưởng thôn kiêm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ, Chi bộ thôn Trung Vượng 2, xã Trung Hòa (Chiêm Hóa) như được bổ sung thêm “chất thép”. Sự quyết đoán, sáng tạo cộng thêm cách ứng xử khéo léo, mềm dẻo, bà Đoan đã góp phần làm “thay da đổi thịt” bản làng người Tày.

“Ly nông bất ly hương”

Chị Hoàng Thị Xúy, năm nay gần 30 tuổi, có chồng và 2 con. Xúy có ý định đi làm công nhân ở Vĩnh Phúc để có thu nhập ổn định. Cũng như Xúy, nhiều chị ở thôn Trung Vượng 2 như Ma Thị Trang, Lự Thị Kiều, Hoàng Thị Thơi… từng có ý định như vậy. Hiểu được trăn trở của lớp trẻ, bà Nguyễn Thị Đoan đã có nhiều cách làm để phát triển làng nghề đan cót phù hợp với sự phát triển của thị trường để giữ chân người lao động ở lại làng, với tên gọi khá thú vị: “Nhóm Sở thích đan lát”. Nhóm ưu tiên là các bạn trẻ tham gia, hiện nhóm có 25 thành viên.

Khi tham gia các thành viên được truyền dạy, trao đổi kinh nghiệm cách trồng, chăm sóc cây nguyên liệu, thực hiện các bước đan cót, liên hệ đầu ra cho sản phẩm... Đặc biệt, các thành viên được vay vốn để đầu tư máy móc phát triển nghề, giải phóng sức lao động. Nếu như trước đây, 1 buổi sáng mỗi người chỉ chẻ được 5, 6 đoạn  tre thì giờ chỉ sau 1 tiếng đồng hồ, máy đã chẻ được 1 cây tre dài thành nguyên liệu nan để đan.

Chị Xúy bảo, khi được bà Đoan thuyết phục ở lại làng làm nghề và tham gia Nhóm Sở thích đan lát chị đắn đo lắm! Thế nhưng giờ thấy đây là một lựa chọn hợp lý, đúng đắn. Bởi vì chị vừa được ở lại quê nhà chăm sóc gia đình mà vẫn có thu nhập ổn định. Sau khi được hướng dẫn thành thạo nghề thì chị làm thủ tục vay 5 triệu đồng mua máy chẻ nan cót. Nhờ có sự hỗ trợ của máy móc, mỗi ngày chị có thể đan được 3 - 4 tấm để bán. Mỗi tấm có giá dao động 33 - 42 nghìn đồng, mức thu nhập hàng tháng khoảng 5 triệu đồng.

 

Chị Lư Thị Kiều, sinh năm 1993 là thành viên trẻ nhất của Nhóm. Chị bảo trước đây học xong mình chỉ muốn rời khỏi làng để đi làm việc ở các thành phố, nhà máy lớn. Từ nhỏ mình ít khi để ý đến việc đan cót thế nhưng từ khi tham gia Nhóm thấy yêu nghề truyền thống của người Tày mình hơn. Nay Kiều đã phân biệt rạch ròi 2 loại cót: cót dùng để chế biến đồ thủ công xuất khẩu và cót dùng trong xây dựng. Mỗi loại có kích cỡ và nguyên liệu khác nhau, trong đó cót chế biến đồ thủ công thì cầu kỳ hơn, đảm bảo kích thước nan 1,8 cm, nan mịn, trắng và đẹp. Cót dùng trong xây dựng thì không quá cầu kỳ về mặt hình thức, tận dụng nguyên liệu thừa và xấu. Hiện nay, gia đình Kiều chỉ làm cót để chế biến đồ thủ công vì nhu cầu thị trường và hiệu suất kinh tế cao hơn.

Được biết, để có được tiền vốn giúp chị em đầu tư máy móc, trang thiết bị, bà Đoan đã chủ động viết đơn rồi đích thân lên tận Hội Phụ nữ huyện để xin vay vốn. Sau quá trình họp xét, Huyện Hội cho Chi hội thôn Trung Vượng 2 vay được 17 triệu đồng từ Quỹ phát triển kinh tế. Số tiền còn lại bà Đoan vận động chị em trong thôn xây dựng Quỹ Tự lập. Mỗi người góp 50 nghìn đồng/tháng, số tiền gom được sẽ cho hội viên vay vốn với lãi suất thấp. Đến nay trong Nhóm Sở thích đan lát đã có 14 thành viên đầu tư được máy chẻ nan cót. Thấy được hiệu suất kinh tế từ đầu tư máy móc nhiều hộ dân khác trong thôn đã chủ động mua để gắn bó lâu dài với nghề.

Bà Đoan chia sẻ, để phát triển làng nghề theo hướng chuyên nghiệp thì phải có nhân lực và máy móc. Hiện nay đa số người trẻ ở Trung Vượng 2 sau khi học xong chọn ở lại quê hương để lập nghiệp, phát triển kinh tế từ đan cót, đúng với mong muốn của nhiều gia đình là “ly nông bất ly hương”. Thời gian tới, bà và các cán bộ thôn sẽ tiếp tục vận động các hộ dân mua máy móc, phát triển vùng nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

“Đôi chân không biết mỏi”

Bà Nguyễn Thị Đoan từng tham gia công tác tại Trạm Y tế xã Trung Hòa. Sau khi về nghỉ hưu, bà luôn xác định, đã là đảng viên thì dù đang công tác hay nghỉ hưu, khi Đảng cử, dân bầu phải hoàn thành tốt mọi công việc. Sau 12 năm, bà kinh qua nhiều chức vụ như Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng Ban Công tác mặt trận, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ. Nhiều năm liền bà được tín nhiệm bầu là người uy tín của thôn.

Đồng chí Nguyễn Đình Cung, Bí thư Đảng ủy xã Trung Hòa cho biết, điều đáng trân trọng ở bà Đoan cán bộ thôn có tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm. Với vai trò của mình, năm 2021, sau khi được sự thống nhất với Chi bộ, bà Đoan đã đề xuất với Đảng ủy, xung phong đăng ký thôn Trung Vượng 2 trở thành thôn điểm nông thôn mới nâng cao của xã. Đây chính là cú huých tạo bước chuyển mình cho làng quê khẳng định sự năng động của một nữ đảng viên, cán bộ thôn.

Bà Nguyễn Thị Đoan (bên trái) thường xuyên hướng dẫn cho chị em trong thôn giữ gìn nghề truyền thống.

Thôn Trung Vượng 2 có 79 hộ dân, chủ yếu đồng bào Tày. Tình trạng người dân vứt rác bừa bãi vẫn còn diễn ra phổ biến. Mỗi khi có mưa lũ, rác từ đầu nguồn chảy về ứ đọng ở hầu hết các khe suối, kênh mương. Xã và thôn phải vận động, huy động lực lượng thu gom rác thải sau mỗi trận mưa bão. Để thay đổi tư duy người dân không phải một sớm một chiều, bà Đoan đã không ít lần sớm hôm đi về trong sự buồn bã. Bà bảo, nhiều người vẫn có tư tưởng, rác thì phải mang đi vứt cách xa nhà chứ ai lại xây hố rác cạnh nhà để đựng rồi sau đó mới đốt. Liên tiếp nhiều tháng liền, bà kiên trì đến tận từng nhà giải thích về rác hữu cơ và vô cơ, rác phân hủy được và không phân hủy được. Tất cả là để bảo vệ môi trường sống của chúng ta và đời con cháu sau này. Bà vừa nói vừa có hình minh họa bằng tờ rơi rồi có cả video ở điện thoại.

Và để lời nói lọt tai hơn, bà Đoan tiên phong xây dựng 2 hố rác trong vườn. Sau đó, vận động cán bộ thôn, đảng viên thực hiện trước. Thấy được tiện ích hộ này nhìn hộ kia làm theo, vừa đảm bảo môi trường lại không vi phạm hương ước của thôn. Chỉ sau 4 tháng vận động, 100% hộ dân trong thôn xây dựng bể chứa rác thải.

Chị Nguyễn Thị Hạnh chia sẻ: “Gia đình chúng tôi có 2 bể chứa rác thải dành cho rác hữu cơ và vô cơ. Rác hữu cơ thì tôi thường gom lại ở bể chứa, sau đó sử dụng làm phân bón cho cây. Còn rác vô cơ thì định kỳ hàng tuần sẽ có xe của công ty môi trường đến gom mang đi xử lý. Bên cạnh đó, định kỳ vào ngày 28 hàng tháng các hộ dân trong thôn cùng nhau vệ sinh đường làng ngõ xóm, tạo cảnh quan sạch đẹp”.

Để thay đổi diện mạo mới cho quê hương, bà Đoan tiếp tục vận động người dân làm công trình “Thắp sáng đường quê” với con số khá ấn tượng là 1.200 m. Bà đích thân lên xã nhờ liên hệ nhà tài trợ được 20 triệu đồng, số tiền còn lại bà huy động người dân trong thôn đóng góp. Mỗi hộ đóng góp 200 nghìn đồng. Để công trình được hoàn thiện nhanh chóng, dù số tiền đóng góp chưa đủ bà đã ứng tiền cá nhân ra để chi trả. Thấy được trách nhiệm của trưởng thôn, nhiều hộ dân tích cực đóng góp ngày công, kinh phí để đường làng được chiếu sáng.

Nhờ sự nhiệt thành năng động sáng tạo của nữ trưởng thôn mà diện mạo Trung Vượng 2 ngày càng khởi sắc. Thôn có 4 km đường bê tông, một số đoạn đường đã được trồng hoa, nhà văn hóa thôn được xây dựng khang trang, rộng rãi. Thu nhập người dân đạt bình quân 47 triệu đồng/người/năm. Đến nay, thôn đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao. Dự kiến cuối tháng 6-2022, thôn được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đây là thôn làm điểm để các thôn trong xã tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.

Có được kết quả đó là nhờ sự đóng góp không nhỏ của bà Nguyễn Thị Đoan. Với vai trò là Phó Bí thư Chi bộ, trưởng thôn, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Trung Vượng 2, bà đã gánh “các vai” một cách trọn vẹn, chu toàn. “Đó là “chất thép” mà bất cứ người đảng viên đặc biệt là người cán bộ nào cũng phải có. Chất thép, sự kiên định trong trách nhiệm với nhân dân với quê hương, bản làng!”, bà Đoan khẳng định như thế.

Ghi chép: Giang Lam

Tin cùng chuyên mục